Tiền ảo, tội thật
Liberty Reserve (LR), thành lập năm 2006, có trụ sở và hoạt động chủ yếu ở Costa Rica, được mô tả là "ngân hàng được lựa chọn của thế giới tội phạm ngầm”, và đã thực hiện trót lọt 55 triệu lượt giao dịch trước khi bị phát hiện và đóng cửa. Công ty này có khoảng 1 triệu khách hàng trên toàn cầu, trong đó có 200.000 khách hàng Mỹ, giới công tố nước này cho hay.
Phía đại diện pháp luật không thể tiếp xúc được với người phát ngôn của LR để có câu trả lời về vụ việc. Các công tố viên, ngày 28/5 cho biết, họ đã bắt giữ 5 trong số 7 người nghi phạm ở Tây Ban Nha, Costa Rica và Brooklyn - New York với tội danh điều hành mạng lưới chuyển tiền phi pháp.
Bản cáo trạng đối với LR xuất hiện giữa lúc Washington có nhiều nỗ lực thắt chặt quản lý thế giới tiền ảo và đảm bảo rằng các nhà điều hành của chúng thực thi pháp luật một cách nghiêm túc.
Ngày 28/5, lần đầu tiên nước Mỹ thực thi Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) đối với đơn vị tiền tệ ảo, cũng là ngày đánh dấu sự biến mất của LR khỏi hệ thống tài chính của nước này. Đề xuất của Cục
Dự trữ liên bang sẽ cấm các thể chế tài chính mở hoặc duy trì các tài khoản của ngân hàng nước ngoài từng sử dụng dịch vụ của LR và sẽ theo dõi các giao dịch có liên quan đến công ty này.
Tiền ảo, đáng chú ý nhất hiện nay là Bitcoin, hiện chỉ đóng một phần rất nhỏ trong các giao dịch trên toàn thế giới, nhưng chúng ngày được quảng bá rầm rộ bởi giới thương nhân trên mạng Internet và được sử dụng trong hàng loạt các giao dịch hợp pháp - ví dụ như trả tiền cho các dịch vụ trực tuyến.
Các nhà làm luật Mỹ lo ngại về khả năng tội phạm sẽ luân chuyển tiền bẩn trong một hệ thống nằm ngoài hệ thống ngân hàng của thế giới hay các dịch vụ chuyển tiền chính thống khác như Western Union. Giới chức gần đây cũng cảnh báo rằng giao dịch bằng tiền ảo cần phải tuân thủ các điều luật chống rửa tiền truyền thống.
Kể từ năm 2009, khi đồng tiền ảo nổi tiếng nhất hiện nay Bitcoin xuất hiện, thế giới tiền ảo ngày càng phát triển, cho phép khách hàng sử dụng Internet có thể tạo ra tiền bằng cách giải các thuật toán phức tạp. Mặc dù, vụ việc của LR không có liên quan tới Bitcoin, nhưng thời gian qua những người sử dụng đồng tiền ảo này vẫn lo lắng về số phận của nó.
LR rửa tiền như thế nào?
Liên quan tới vụ việc của LR, giới công tố Mỹ cho biết đã phát hiện hơn 45 tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới có liên quan, với tổng giá trị lên tới 25 triệu USD. Các công tố viên đã buộc tội LR dung túng cho hàng loạt các hoạt động phạm tội bằng cách cho phép tội phạm giao dịch bằng tiền ảo của công ty, mang tên "LR”. Thêm vào đó, LR luôn giữ bí mật các tài khoản người sử dụng và không để bị theo dõi.
Một giao dịch sẽ bắt đầu với việc một cá nhân mở một tài khoản LR bằng tên và địa chỉ giả. Người này sẽ phải có một lượng tiền thật, ví dụ như đồng USD, để đảm bảo với bên thứ ba nhận trách nhiệm giao dịch, sau đó công ty này sẽ chuyển lượng USD này sang đơn vị tiền "LR” và chuyển tới tài khoản người nhận.
Từ đây, tội phạm có thể sử dụng lượng tiền ảo mang tên "LR” này để mua ma túy, các tài khoản tín dụng bị đánh cắp hoặc các mặt hàng khác bằng cách chuyển tiền ảo qua lại giữa các tài khoản của LR. Khách hàng sử dụng đồng "LR” có thể tìm đến một nhà giao dịch khác để chuyển đồng "LR” sang đơn vị tiền tệ thật. LR sẽ đánh phí 1% đối với mỗi giao dịch bằng tiền ảo "LR” cùng một khoản "phí bảo mật” khoảng 75 cent để giấu kín số tài khoản giao dịch của người dùng, khiến cho các giao dịch này không thể bị truy ra.
Quá trình hoạt động ngầm
Bản thân LR đã từng có dính líu đến một án đình đám hồi đầu tháng. Theo các công tố liên bang ở Brooklyn, New York, 8 nghi phạm đã bị buộc tội ăn trộm 45 triệu USD từ các máy rút tiền tự động ATM đặt tại các đường phố New York, sử dụng các số tài khoản tín dụng trả trước bị đánh cắp. Giới công tố cho biết, ít nhất một trong số các nghi phạm sử dụng tài khoản của LR để chuyển lượng tiền ăn trộm được đến một tài khoản khác.
James T. Hayes Jr., đặc vụ của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cơ quan này đã sớm phát hiện và theo dõi các hành vi phạm pháp của LR từ năm 2010 và phối hợp với các cơ quan thẩm quyền khác để tiến hành điều tra.
Bản cáo trạng đã mô tả cách thức mà hai trong số các nhà sáng lập LR, Arthur Budovsky và Vladimir Kats thực hiện hành vi phạm pháp năm 2006 tại New York khi điều hành một công ty chuyên thực hiện các giao dịch tiền ảo phi pháp, có tên Gold Age Inc.
Theo cáo trạng, năm 2009, việc làm ăn của LR cũng khiến giới chức ở Costa Rica nghi ngờ và công ty này đã phải tạo thêm một lớp vỏ bọc bằng cách thành lập một hệ thống giao dịch truyền thống giả tạo. Cuối năm 2011, Cục Dự trữ liên bang đã cảnh báo các thể chế tài chính về rủi ro khi làm ăn với LR.
Sau khi cảnh báo xuất hiện, LR chính thức trở thành một công ty hoạt động ngầm, theo cáo trạng và tiếp tục hoạt động ở Costar Rica với lượng nhân viên hoạt động bí mật và không bao giờ xuất hiện ở văn phòng cố định.
Rủi ro từ tiền ảo
Việc LR bị cơ quan chức năng Mỹ khởi tố, phong tỏa để điều tra đã khiến hàng loạt những khách hàng có tài khoản tiền ảo tại trang web này khốn đốn. Cá nhân thiệt hại không nhỏ, nhưng thiệt hại lớn nhất phải kể đến những dịch vụ trung gian chuyển tiền (còn gọi là exchanger). Bởi với cộng đồng mạng, tiền LR đã trở thành một loại tiền điện tử thông dụng, được sử dụng trong mua bán, trao đổi ra các loại tiền khác thông qua một loạt các trang web.
Tiền ảo LR cùng với các phương thức thanh toán trực tuyến khác đang hoạt động như Webmoney (WMZ và WME), Perfect Money (PM), PayPal (PP), AlertPay (AP), Bitcoin (BTC)... cũng được sử dụng như một loại tiền tệ trả công cho những người làm việc online. Trong đó LR, WMZ, PP và PM khá phổ biến do có giá trị tương đương với tiền thật và thanh toán dễ dàng, được nhiều website mua bán trực tuyến nước ngoài và cả ở Việt Nam chấp nhận.
Tuy không được công nhận là tiền nhưng các đồng tiền ảo hiện nay lại có giá trị như tiền thật, và số người có nhu cầu giao dịch trực tuyến lại rất đông nên dù không xin được giấy phép kinh doanh, các đối tác nhận đổi tiền vẫn mọc lên như nấm.