Với biến động giá cả như hiện nay, tổng tài sản của Công ty Thiên Mã so với các khoản nợ đang mất cân đối khoảng 100 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Công ty Thiên Mã là Phan Bá Tòng, doanh nghiệp thành lập năm 2005 với vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Sau bảy năm hoạt động doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào trang trại nuôi cá khép kín rộng khoảng 100ha. Nơi đây có quy trình sản xuất cá bột rồi chuyển sang ao nuôi thương phẩm để cung cấp cho 3 nhà máy thủy sản của Công ty Thiên Mã với số lượng 400.000 tấn cá tra/năm.
Nhà máy Thiên Mã 3 của Công ty Thiên Mã. Ảnh: A.N.
Lúc thịnh vượng, Công ty Thiên Mã hoạt động hết công suất 300 tấn nguyên liệu mỗi ngày và năm 2009 kim ngạch xuất khẩu của công ty lên đến 70 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty Thiên Mã phát triển tại 40 quốc gia trên thế giới, tạo công ăn việc làm cho 3.500 lao động trong nước.
Tuy nhiên, từ khi lãi suất ngân hàng tăng cao, nhà băng ngưng cho Công ty Thiên Mã vay vì nợ quá hạn làm cho công ty lâm vào cảnh khó khăn vì không có vốn sản xuất. Hiện hai nhà máy của Công ty Thiên Mã ngưng hoạt động, chỉ còn Nhà máy Thiên Mã 3 chạy cầm chừng, gia công sản phẩm để duy trì việc làm cho 700 công nhân.
“Để vượt qua khó khăn, tôi đang mời Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính tham gia tái cơ cấu. Nếu được khoanh nợ vài năm và có nhà đầu tư hoặc tổ chức tín dụng bơm vốn, Công ty Thiên Mã sẽ hoạt động hiệu quả trở lại”, ông Tòng nêu hi vọng.