Còn những ông trước đây tự cao tự đại với sự giàu có,
thành đạt của mình, nay biến thành ninja vì kinh doanh thua lỗ, cầm cố
nhà cửa xe hơi không đủ trả nợ nên phải bỏ xứ mà đi.
Kẻ may mắn hơn không phải trốn chui trốn lủi nhưng ngày ngày ra đường phải né tránh ánh nhìn của người quen khi mình đang trong bộ dạng nghèo khó hơn xưa.
Câu chuyện nợ nần, thua lỗ của Công ty thủy sản Bình An được nhiều người biết đến hơn cả đơn giản vì ở đó có đại gia nổi tiếng Diệu Hiền.
Đại diện nhà thầu chật vật đòi nợ, từ ngọt nhạt năn nỉ đến dồn dập gửi công văn, chầu chực đến tận tối muộn để xin gặp đều rơi vào bế tắc. "Chỉ có vài tỷ đồng mà phải kiện cáo thì sau này khó nhìn mặt nhau nên chúng tôi phải thuê đơn vị tư vấn đứng trung gian đòi giúp, chấp nhận gia giảm khoản nợ miễn sao lấy được tiền", ông chia sẻ.
Vị này bộc bạch, khi bất động sản khủng hoảng, chủ nợ lép vế hơn con nợ và trở thành thợ săn bất đắc dĩ. "Nếu không vì quá khó khăn, bế tắc buộc lòng phải đi đòi tiền thì có khi bỏ hẳn món nợ này còn nhẹ lòng hơn", ông nói.
Nhiều con nợ bị đẩy tới bước đường cùng, giờ trở nên
bất cần trước yêu cầu của chủ nợ. Anh Trần Hùng, giám đốc một công ty
sản xuất thép tiền chế quy mô lớn ở Hà Nội là một ví dụ. Công ty anh vay
ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng.
Lúc tình hình kinh tế chưa đến nỗi thê thảm như hiện nay, công ty vẫn cần vốn và mong muốn ngân hàng giảm bớt lãi, cơ cấu lại nợ để có tiền làm ăn. Nhưng lúc đó ngân hàng không chịu, cứ khăng khăng áp lãi cao và không có giải pháp gì xử lý gánh nặng nợ cho doanh nghiệp.
"Giờ thì chúng tôi đứng im rồi, không còn làm ăn gì nữa. Ngân hàng đòi tiền, tôi vẫn nghe máy, vẫn mời đến trụ sở công ty tiếp trà nước đàng hoàng. Nhưng họ cứ nhắc tới số nợ 1.000 tỷ đồng thì tôi trình bày không có. Mãi rồi chán, họ đành quay ra năn nỉ nếu tôi chấp nhận trả nợ gốc, họ sẽ giảm lãi suất, thậm chí xóa hết tiền lãi", anh kể.