Đại gia đổ ngàn tỉ trồng rau, nuôi bò

Quang Huy |

Nhiều “ông lớn” ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Sau bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) đầu tư trồng cao su, trồng bắp, nuôi bò và đại gia Đặng Văn Thành (Chủ tịch Tập đoàn TTC) rót vốn trồng mía thì từ đầu năm đến nay có thêm nhiều đại gia khác như tỉ phú Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát)… cũng đang “xắn quần” làm nông nghiệp.

Nhập công nghệ Nhật, Israel

Từ đầu năm 2015, Tập đoàn Vingroup đã rót 2.000 tỉ đồng vào thương hiệu VinEco chuyên cung cấp nguồn rau quả hữu cơ, rau quả sạch trong nước và tiến tới đưa một số nông sản thế mạnh Việt Nam ra thế giới.

Để hiện thực hóa việc đầu tư vào nông nghiệp, đại diện Tập đoàn Vingroup cho hay mới đây vào giữa tháng 7-2015, VinEco đã ký kết hợp tác với ba đối tác hàng đầu thế giới về cung ứng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp với tổng giá trị lên tới trên 1.000 tỉ đồng.

“Mục tiêu là sẽ cho ra mắt thị trường mẻ nông sản sạch, an toàn đầu tiên vào quý IV-2015” - đại diện Vingroup tuyên bố.

Ba đối tác của VinEco đều đến từ những nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới gồm: Netafim, TAP (Israel) và Kubota (Nhật).

Cụ thể, TAP và Netafim cung cấp công nghệ nhà kính - nhà lưới với quy mô lên tới 60 ha cùng hệ thống tưới tiêu tự động và hệ thống cung cấp dinh dưỡng chủ động cho cây trồng trên diện tích gần 1.000 ha (trong giai đoạn 1).

Đối tác Kubota cung cấp công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa trên cánh đồng mẫu lớn ở tất cả nông trại của VinEco trên cả nước.

Đại diện tập đoàn này cho biết thêm công nghệ nhà kính - nhà lưới được điều khiển tự động, có khả năng kiểm soát chủ động các yếu tố khí hậu - môi trường.

Với công nghệ này, VinEco có thể đưa vào sản suất những bộ giống độc đáo, đảm bảo cung ứng cho thị trường nhiều loại rau củ quả chưa từng xuất hiện hoặc mới được sản xuất rất hạn chế tại Việt Nam trên quy mô lớn, năng suất cao, hạn chế sâu bệnh.

Kubota sẽ mang các loại máy móc lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam như máy lên luống và phủ nylon, máy phun tự động…

Một ông lớn khác của ngành thép, bất động sản là Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa chi 300 tỉ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, 200 tỉ đồng cho công ty thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai với tổng công suất hai nhà máy gần 500.000 tấn/năm.

Trước đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào chăn nuôi bò sữa, phát triển cây công nghiệp.

Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp cũng đã và đang đón nhiều đại gia khác đổ tiền mạnh vào đầu tư như Vinamilk, TH Truemilk nuôi bò sữa; Geleximco trồng rau…

Trang trại nuôi bò quy mô lớn của đại gia Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: QH

Người tiêu dùng giám sát qua webcam

Trên thực tế, rau quả hữu cơ, rau quả sạch hiện một số doanh nghiệp (DN) đã làm nhưng mới chỉ có mặt tại siêu thị và một số cửa hàng nhỏ, người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận.

Đây là một trong những lý do khiến các đại gia nhảy vào lĩnh vực này.

Đại diện Vingroup cho biết sẽ mở rộng hệ thống phân phối rau quả sạch trên khắp cả nước, mang tính đột phá, đảm bảo người tiêu dùng có thể mua sản phẩm ở nhiều nơi như siêu thị, ki-ốt trong các chợ, cửa hàng tiện lợi, căn tin trong các xí nghiệp và bán hàng trực tuyến.

“Một điều đặc biệt là người tiêu dùng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giám sát quy trình trồng trọt thông qua hình ảnh được truyền trực tiếp từ nông trại” - đại diện tập đoàn này tiết lộ.

Tương tự, thị trường thức ăn chăn nuôi còn rất nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước.

“Hiện nay 60% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất nằm trong tay các công ty ngoại.

Vì thế khi đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi nắm rõ sức ép nên đã tính toán rất kỹ chiến lược kinh doanh, quy trình quản lý, đầu tư công nghệ mới để có thể cạnh tranh” - ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, nói vẻ tự tin.

Nông nghiệp chuyên nghiệp hơn

Trao đổi với chúng tôi về xu hướng các tập đoàn lớn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực này, cho rằng đầu tư vào nông nghiệp là phải đầu tư công nghệ cao, có quy trình khép kín từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Để làm được điều đó cần có những tập đoàn, DN lớn tham gia đầu tư.

Bởi chỉ có những “ông lớn” mới có đủ nguồn lực nhập công nghệ nông nghiệp hiện đại, có thể xây dựng những thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Còn nếu cứ để nông nghiệp nước ta ngành nào cũng manh mún, nhỏ lẻ, cạnh tranh kém như hiện nay thì không biết bao giờ mới “ngóc đầu” lên được.

GS Xuân cũng cho rằng ở các nước trong khu vực hay các nước có nền nông nghiệp hiện đại như Hà Lan, Israel, Nhật, Mỹ đều có những tập đoàn đầu tàu dẫn dắt nền sản xuất nông nghiệp.

Từ đó mới có thể tạo ra một lớp nông dân làm nông chuyên nghiệp, thu nhập tăng; giống, chất lượng sản phẩm nông nghiệp có chất lượng hơn, cạnh tranh tốt hơn…

“DN lớn đã chịu đổ tiền vào nông nghiệp thì Chính phủ cần khuyến khích hỗ trợ những DN đầu tàu này. Đừng để họ phải sang đất nước khác làm nông nghiệp trong khi nông nghiệp, nông dân Việt Nam đang rất cần” - GS Xuân nêu quan điểm.

Một số chuyên gia khác phân tích việc các tập đoàn hàng đầu Việt Nam chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp là tín hiệu tốt cho nền nông nghiệp Việt Nam. Qua đó tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, nói đến năm 2014 tỉ trọng DN đầu tưvào sản xuất nông nghiệp rất khiêm tốn, chỉ chiếm 1% trong tổng số DN của cả nước, đa phần quy mô vốn nhỏ.

Do vậy, việc các đại gia đầu tư vào nông nghiệp là tín hiệu đáng mừng. “Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN đầu tư” - ông Ngọc nói.

Ưu đãi cho cả doanh nghiệp ngoại

Dự thảo nghị định quy định sửa đổi bổ sung chính sách nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã được Bộ NN&PTNT hoàn tất.

Theo đó sẽ ưu đãi, hỗ trợ cho các DN FDI vào nông nghiệp như chính sách thu hút các DN đầu tư trong nước.

Cụ thể, sẽ miễn thuế thu nhập DN cho DN FDI đầu tư trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản ở vùng đặc biệt khó khăn; miễn giảm tiền sử dụng đất 15 năm cho dự án ưu đãi; hỗ trợ cho DN FDI đầu tư cánh đồng mẫu lớn...

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG,

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản, hạt tiêu, cà phê…

Thế nhưng mỗi năm chúng ta vẫn phải bỏ ra hàng tỉ USD để nhập khẩu thực phẩm các loại. Đây là cơ hội tốt cho các đại gia đầu tư vào nông nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại