Bởi lẽ, thời gian gần đây phong trào trưng bày cây chè cổ thụ như một bonsai trong sân nhà hay cơ quan được phát triển rầm rộ như một thú chơi đại gia.
Chè cổ tăng giá
Một hiện tượng đáng báo động ở Lâm Đồng và nhiều địa phương khác là nạn dùng gốc chè cổ thụ làm bonsai đã thực sự trở thành thú chơi thời thượng. Không ít đại gia và kể cả các cơ quan nhà nước sẵn sàng bỏ ra từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để “săn” cho bằng được một gốc chè cổ thụ mang về nhà mình hoặc cơ quan mình trưng bày như một “mặt tiền” thể hiện “tiềm lực” kinh tế và cả sự “tao nhã” của chủ nhân.
“Chưa bao giờ giá chè cổ ở Lâm Đồng lại cao như thế này. Năm trước, một gốc chè khoảng 50 năm tuổi của tôi có giá chỉ 10 triệu đồng thì nay đã tăng lên không dưới 30 triệu đồng” - ông Hoàng Trọng Nghĩa - chủ hàng buôn bán chè cổ ở thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) - không giấu.
Trước nạn săn lùng chè cổ ráo riết khiến cho giá của thứ “hàng hóa” này đội lên mây xanh, một chủ hàng buôn bán chè cổ ở Lộc An (huyện Bảo Lâm) tỏ ra tiếc nuối: “Mấy năm trước, một người ở tận miền Bắc vào năn nỉ, cầm lòng không đặng nên tôi đã nhượng lại cho ông ấy một gốc chè cổ thụ những hơn 80 năm với giá hơn 80 triệu đồng. Giờ thì thấy tiếc! Nếu còn, gốc ấy nằm giá không dưới 130 triệu đồng!”.
Nghe nói, để đưa gốc chè cổ thụ ấy về miền Bắc, ông chủ mới đã bỏ ra không dưới 20 triệu đồng thuê riêng một chiếc xe tải lớn.
Đào trộm chè cổ - làm sao ngăn chặn?
Dọc theo tuyến quốc lộ 27 Đà Lạt - TPHCM, trên địa bàn huyện Di Linh và TP.Bảo Lộc cứ nhan nhản điểm mua bán chè cổ. “Họ bán mua công khai, ai mà chẳng biết. Nhưng nếu xét về luật thì làm gì có điều khoản nào cấm đoán họ đâu! Cây chè đâu nằm trong danh mục cây lâm nghiệp. Còn nếu là đào trộm chè cổ ở đâu đó mà bị “bắt tận tay” thì mới kết tội họ được chứ” - một cán bộ kiểm lâm nói.
Ông Hoàng Trọng Nghĩa cho biết thêm: “Hầu như điểm bán “chuyên nghiệp” chè cổ nào cũng có một đội quân chuyên đi săn lùng “mặt hàng” này. Nhất là trong vài tháng gần đây, khi Tuần văn hóa trà Lâm Đồng lần IV - 2012 sắp khai mạc, đội quân “săn” chè cổ ở Lâm Đồng không chỉ có địa bàn hoạt động gói gọn trong phạm vi của tỉnh, mà còn được mở rộng ra nhiều tỉnh khác, kể cả tỉnh Thái Nguyên - một trong những cái nôi của cây chè VN”.
Ở Lâm Đồng, tính ra, kể từ lúc cây chè lần đầu tiên có mặt đến nay cũng đã trên dưới 80 năm rồi. Theo sử sách ghi lại thì người Pháp lần đầu tiên đưa giống cây này sang cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt) của VN để trồng ở Cầu Đất là vào năm 1927.
Sau đó, “chè Cầu Đất” (Đà Lạt) lan xuống vùng Di Linh, Bảo Lộc...; và đến những năm 30, nhiều đồn điền trồng chè của người Pháp và người Việt đã được thiết lập ở Bảo Lộc, Di Linh. Đặc biệt, hiện trên địa bàn TP.Đà Lạt, vườn chè 40ha có tuổi hơn 80 năm tại Cầu Đất đang được quản lý, bảo vệ một cách khá nghiêm ngặt hẳn là một thông tin khiến không ít người quan tâm.
“Vườn chè cổ của nhà máy chè Cầu Đất đã được quy hoạch thành điểm tham quan du lịch và là nơi để phục vụ cho công tác nghiên cứu, là nơi lưu giữ nguồn gene... Nhưng trong thời gian gần đây, nạn đào trộm chè cổ để mang đi bán cho các đầu nậu tại vườn chè cổ Cầu Đất khiến cho chúng tôi khá... đau đầu!” – một cán bộ có trách nhiệm của cơ quan quản lý vườn chè cổ Cầu Đất tỏ ra bức xúc.
Không chỉ riêng vùng chè Cầu Đất mà hiện nay, cả vùng chè “già cỗi” ở Di Linh, Bảo Lộc... cũng đang bị các “vệ tinh” của những cơ sở buôn bán chè cổ Lâm Đồng “săn lùng” một cách ráo riết.Hầu như không có một cơ sở pháp lý để đưa ra chế tài nhằm quản lý nạn săn lùng chè cổ là thực trạng cần được các cơ quan hữu trách quan tâm trong lúc này!.