Ông Phúc cho rằng với Vinashin, Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, cụ thể là đã bắt tạm giam cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình và các cán bộ có liên quan. Như vậy, có thể nói pháp luật đã xử lý nghiêm khắc những cán bộ trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại tập đoàn này.
Về tái cơ cấu Vinashin theo Kết luận số 81 của Bộ Chính trị, theo ông Phúc, chúng ta tiến hành tái cơ cấu trong giai đoạn bị khủng hoảng, kinh tế thế giới khó khăn và thị trường vận tải giảm rất mạnh.
Trong số 216 doanh nghiệp không giữ lại, đã "sắp xếp" được 36 doanh nghiệp. Lao động còn khoảng gần 29.000 người, giảm 41.000 người, số lao động còn lại có việc làm đến hơn 74%, số không có việc làm khoảng 25%.
Kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 năm đã đóng, bàn giao 170 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu lớn với giá tiền là 1,215 tỷ USD. Nếu như không tiếp tục sản xuất, bàn giao được 170 tàu này thì chúng ta có số lỗ tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ nữa.
Chính phủ đã chỉ đạo tập đoàn và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan tiến hành tái cơ cấu lại nợ Vinashin. Có 19 ngân hàng trong nước với điều kiện cụ thể đã giảm nợ cho Vinashin 70%, còn 750 triệu USD và 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay thì cũng đang đàm phán, giảm được 30%.
Theo ông Phúc, khoản giảm này rất lớn, có những món nợ vay 40 triệu, tập đoàn mua lại với giá 9 triệu… và kết quả của tái cơ cấu nợ là tiền đề quan trọng để tái cơ cấu Vinashin.
“Có thể nói hiện nay tình hình còn lỗ rất nặng, với điều kiện khách quan và chủ quan như vậy, kết quả tái cơ cấu cũng còn chậm, còn nhiều khó khăn, thách thức. Cho nên tinh thần lớn đã chỉ đạo đó là thực hiện tái cơ cấu, hy sinh một cách cơ bản, toàn diện, triệt để, theo hướng kết hợp giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản, tinh thần phải làm quyết liệt, quyết tâm cao, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, ông Phúc nói.
Sắp tới, đối với 216 doanh nghiệp không giữ thì sẽ cổ phần hóa, chuyển nhượng, 166 doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu thì cho phá sản hoặc bán. “Tinh thần phấn đấu đến năm 2015 ta xử lý xong những doanh nghiệp nhỏ lẻ này. Khi chúng ta đàm phán về tài chính thì đến 2022 chúng ta bắt đầu trả nợ, nếu 2022 bắt đầu trả nợ thì đến 2016 thu phải cao hơn chi, đó là phương án tích cực, quyết tâm về tài chính”, ông nói thêm.
Trước những ý kiến nói tại sao Vinashin khó khăn không phá sản đi mà phải tái cơ cấu, ông Phúc nói Vinashin là một tập đoàn 100% vốn Nhà nước, nếu như phá sản thì Nhà nước phải trả nợ thay cho Vinashin.
“Chúng ta trả nợ thay như thế thì chúng ta vừa mất tiền, mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và đặc biệt là trên 30.000 gia đình không ổn định cuộc sống, như thế cho nên xét cho cùng tái cơ cấu vẫn có lợi hơn và có hướng đi tốt hơn”, ông nhấn mạnh.
Về Vinalines, Phó thủ tướng cũng nói rằng đang “tái cơ cấu rất mạnh mẽ”.
Năm 2012, Vinalines đã đạt doanh thu là 2.120 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 674 tỷ đồng. Năm 2013, đã thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp, hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, đã hoàn thành phương án tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu nợ, đã bán được một số tầu cũ không hiệu quả.
“Như vậy, những công việc của Vinalines mạnh mẽ hơn, có xu hướng phục hồi nhanh hơn nhưng tất nhiên hiện nay vẫn còn lỗ, vẫn còn khó khăn về thị trường nhưng chúng tôi nghĩ rằng sẽ vượt qua. Chính phủ và các bộ, ngành trung ương dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị quyết tâm trong việc chỉ đạo tái cơ cấu các tập đoàn này”, ông Phúc nói.