Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính (BTCI) và Hay Group mới đây thực hiện khảo sát về cung - cầu nhân lực ngân hàng - tài chính và đưa ra kết quả, trong năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường nhưng chỉ có khoảng 20.000 người được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng sẽ là cơ hội để những sinh viên mới ra trường, có tri thức, nhiệt huyết, năng động được thể hiện tài năng và trí tuệ của mình. Ảnh: Lệ Chi
Như vậy sẽ có khoảng 12.000 sinh viên thất nghiệp hoặc làm trái ngành. Còn trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không được tuyển sẽ khoảng 13.000 người.
Kết quả này khiến không ít sinh viên ngành ngân hàng lo lắng về khả năng tìm việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, tại ngày hội hướng nghiệp do Khoa ngân hàng Trường đại học Kinh tế TP HCM tổ chức sáng nay, nhiều lãnh đạo đến từ các ngân hàng, công ty chứng khoán cho biết, ngành tài chính đang bước vào giai đoạn khó khăn và phải tái cấu trúc, nhưng không có nghĩa là cắt bỏ nhân lực mà là sàng lọc lại chất lượng.
Do đó, đây là cơ hội cho các bạn sinh viên mới ra trường, năng động, nhiệt huyết, có kiến thức tìm được những công việc tốt tại các ngân hàng. Đại diện của Vietcombank tuy không cho biết chính xác mỗi năm sẽ tuyển dụng bao nhiêu nhân viên mới, nhưng ông tiết lộ, số lượng này cũng không nhỏ.
Trước những thắc mắc của sinh viên về việc nhiều nhà băng đưa ra yêu cầu ngoại hình trong tuyển dụng gây khó cho không ít bạn có kiến thức giỏi nhưng khiêm tốn về hình thể nên vẫn bị loại; Đại diện Vietcombank nhấn mạnh, trong khâu tuyển dụng, nhà băng ông không quan tâm đến ngoại hình, tiêu chí tiên quyết chính là kiến thức về tài chính, xã hội. Bên cạnh đó là ứng viên có cá tính mạnh và tố chất đạo đức tốt.
Lãnh đạo Trustbank cũng thông tin, chỉ riêng trong năm 2013 này nhà băng sẽ dành riêng cho địa bàn TP HCM 50 vị trí tuyển dụng, các tỉnh miền đông và miền trung, miền bắc thêm khoảng 50 vị trí nữa. "Như vậy, cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên mới ra trường trong thời gian tới là không nhỏ", ông nói.
Trong khi đó, để trấn an niềm tin cho tất cả sinh viên, đại diện của Công ty chứng khoán Châu Á (ASC) còn chia sẻ rằng, bên cạnh con số khoảng 20% sinh viên thuộc loại khá giỏi của ngành ngân hàng chắc chắc ra trường được các nhà băng săn đón thì cơ hội dành cho những bạn còn lại vẫn rất lớn.
Sinh viên khoa ngân hàng chia sẻ về những băn khoăn lo lắng trong vấn đề tìm việc sau khi ra trường. Ảnh: Lệ Chi
Bà cho biết rất tin tưởng kiến thức nền tảng chuyên môn mà tất cả các bạn sinh viên đã được đào tạo tại các trường đại học lớn. "Chỉ cần các bạn có niềm tin vào chính mình, mạnh dạn nộp hồ sơ để đầu quân vào doanh nghiệp và khẳng định được giá trị bản thân trước nhà tuyển dụng thì cơ hội luôn rộng mở với bất kỳ ai", bà nói.
Đại diện MBS chia sẻ thêm, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, phải tái cơ cấu công ty nên có thời điểm đơn vị bà phải sàn lọc gần 50% cán bộ nhân viên. Nhưng ngay sau đó, công ty đã tiến hành tuyển chọn lại ngay đội ngũ nhân lực mới, năng động và nhiệt huyết, đáp ứng được môi trường mới.
Trước những băn khoăn về chế độ cho nhân viên ngân hàng sẽ bị sụt giảm và kém hấp dẫn khi kinh tế khó khăn, đại diện ngân hàng Đại Tín nhấn mạnh, ngân hàng hiện nay đang ở trong sự cạnh tranh gay gắt nên phải luôn xem xét chế độ đãi ngộ là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút và giữ nguồn nhân lực.
Lãnh đạo Kien Long Bank cũng khẳng định, sẽ không có nhiều sự thay đổi so với trước. Riêng việc trả lương là có điều chỉnh đôi chút, tức thời gian tới đây, nhà băng ông sẽ trả lượng dựa trên 3 yếu tố: năng lực, vị trí và hiệu quả công việc được đánh giá qua từng giai đoạn.
Chia sẻ với PV, Võ Huỳnh Ngọc Điệp, sinh viên khóa K36, Khoa ngân hàng, Đại học kinh tế TP HCM cho biết, khi nghe thông tin sinh viên ngân hàng ra trường nguy cơ khó tìm việc, bạn cũng hơi lo lắng nhưng không bi quan.
Bởi theo bạn, không riêng ngành ngân hàng mà tất cả các ngành khác, ở đâu cũng có người giỏi, người dỡ và cơ hội công việc chỉ đến với người biết cố gắng và may mắn. "Khi đã quyết định thi vào ngành ngân hàng thì em đã quyết tâm học giỏi kiến thức trong trường, cũng như tìm hiểu và học thêm những kỹ năng từ thực tiễn. Em tin rằng khi ra trường mình sẽ có cơ hội tìm được một công việc tốt tại ngân hàng và đúng với chuyên ngành của mình", bạn Điệp bộc bạch.
Trao đổi với PV, PGS. Tiến sĩ Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa ngân hàng, Đại học Kinh tế TP HCM nhìn nhận, tái cơ cấu không có nghĩa là tất cả phải sáp nhập và thu gọn lại nhân sự... Mà ở đây là sự củng cố lại mặt tài chính, vốn, nhân sự...Do đó, nếu nói qua tái cơ cấu sẽ làm giảm nhu cầu về nguồn nhân lực là chưa thực sự đúng.
Theo ông Hoàng, trong giai đoạn đầu tái cơ cấu, có thể sẽ tạo ra một vài khó khăn chung. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian 1-2 năm, khi hệ thống ngân hàng đã đi vào ổn định thì hoạt động của các nhà băng sẽ phát triển trở lại và thị trường lao động cho lĩnh vực này tiếp tục mở rộng.
"Cho nên, những dự báo về việc sinh viên ngân hàng nguy cơ không tìm được việc có thể chỉ là một nút thắt tạm thời. Vì bản chất việc tái cơ cấu là giải quyết khối u trong nền kinh tế, sau khi giải phẫu xong, hệ thống ngân hàng sẽ phát triển và nhu cầu về nhân lực tiếp tục mở rộng thêm", ông nói.
Chưa kể, trong khoảng thời gian các ngân hàng chú trọng vào tái cơ cấu, có thể nhiều người, vốn là thế hệ được đào tạo trước đây cảm thấy bị đuối và đã đến lúc phải ra đi để nhường chỗ lại cho thế hệ trẻ. Các em là những người được đào tạo theo chương trình tiên tiến của các nước trên thế giới, kết hợp với thực tế ở Việt Nam.