Thời trang, hàng ăn đìu hiu vắng khách
Đã qua Tết gần một tuần nhưng theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến phố kinh doanh thời trang, mỹ phẩm, đồ ăn như đường Cầu Giấy, Kim Mã, Phố Huế, Bà Triệu, Trần Duy Hưng… nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa im lìm.
Trên đường Cầu Giấy, mặc dù treo biển quảng cáo giảm giá đến 60-70% song nhiều shop quần áo, giày dép vẫn lạnh tanh, vắng vẻ.
Với những cửa hàng mở cửa thì lượng người ra vào mua bán ít hơn hẳn so với ngày thường. Sản phẩm cũng không còn đa dạng, chủ yếu là hàng tồn kho từ trước Tết chưa xả hết.
Không có khách, nhiều chủ shop thời trang chỉ biết ngồi thêu tranh, tụ tập “chém gió” trên vỉa hè cho hết ngày.
Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng cho biết, vì không có khách mua, hàng hóa ít nên phải cho nhân viên nghỉ đến hết tháng Giêng mới đi làm trở lại.
Theo các tiểu thương ở đường Cầu Giấy, nguyên nhân chính là do khách hàng đã mua sắm đầy đủ từ trước Tết.
Sau Tết, mặt hàng không còn đa dạng, phong phú, mẫu mã không mới lạ, người tiêu dùng không có nhu cầu mua nên lượng khách sụt giảm là điều bình thường.
“Cả ngày ngồi chẳng được mấy chục khách. Cứ 10 người vào thì 9 người ra.
Đấy là tình hình chung cả rồi, năm nào cũng thế thôi. Nhưng chúng tôi vẫn phải mở cửa để giữ chân khách” - chị Mai, chủ shop thời trang trên đường Cầu Giấy cho biết.
Cùng chung tình trạng đó, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ ăn trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy), Đại Cồ Việt, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Hoa Thám… vẫn chưa hoạt động trở lại.
Một số chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn cho hay, đây là thời gian để họ nghỉ ngơi thư giãn sau một năm làm việc vất vả.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để họ đi du lịch, đi chùa chiền... cầu mong cho một năm mới làm ăn gấp năm gấp mười năm cũ.
Còn tại các khu chợ lớn, siêu thị như chợ Cầu Giấy, chợ Nghĩa Tân, chợ Đồng Xa, BigC Thăng Long… việc kinh doanh, mua bán cũng ảm đạm không kém.
Sáng 27/2, ghi nhận tại chợ Cầu Giấy cho thấy, nhiều sạp hàng vẫn trong tình trạng “kín cổng cao tường”.
Nếu như trước đây, các sạp hàng mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần để đón khách thì bây giờ, nhiều sạp vẫn đang bận “nghỉ Tết”.
Chị Hoa - người chuyên buôn bán giày dép ở đây cho biết: “Chợ đầu năm ế ẩm, cả ngày có khi chẳng bán được đôi giày nào.
Nhiều nhà họ bán hết hàng, chưa có hàng mới nên chưa mở cửa lại. Phải qua rằm tháng Giêng thì chợ mới quay trở lại buôn bán như ngày thường”.
Tại BigC Thăng Long, hầu hết các sạp hàng đã mở cửa nhưng sức mua vẫn èo uột. Người đi siêu thị chủ yếu là ngắm hàng, dạo chơi, nhu cầu mua sắm không nhiều.
"Ngày nào nhiều thì bán được 5-6 cái đồng hồ. Ngày nào ít khách thì không bán được một chiếc nào.
Mặc dù có mỏi miệng mời thì khách hàng cũng chỉ xem rồi đi chứ không mua” - anh Hải, nhân viên một quầy chuyên bán đồng hồ ở BigC Thăng Long tâm sự.
Cafe được "mùa bội thu"
Trong khi các cửa hàng thời trang, ẩm thực vắng vẻ, đìu hiu thì các quán kinh doanh đồ uống lại được "mùa bội thu".
Tranh thủ thời điểm nhiều “đối thủ” vẫn nghỉ Tết, một số quán cafe trên tuyến phố Trần Quốc Toản, Ngụy Như Kom Tum, Triệu Việt Vương, Nhà Thờ… bắt đầu rục rịch tăng chi phí phục vụ.
Đặc biệt, ở các quán có không gian đẹp và rộng rãi, thoáng mát, phù hợp cho dân công sở, hầu hết không còn chỗ trống. Nhiều chủ hàng phải từ chối nhận khách vì quá đông.
Trên phố Nguyễn Du, các cửa hàng cafe còn bày bán tràn lan ra cả vỉa hè, bên bờ hồ Ha Le để phục vụ khách.
Chủ cửa hàng cafe trên phố Bà Triệu cho biết, nếu như vào những ngày thường, quán cafe đông nhất vào buổi sáng, buổi trưa và chiều tối thì những ngày đầu năm, lúc nào quán cũng trong tình trạng “quá tải”.
“Ngày bình thường chỉ cần 2 nhân viên chạy bàn, 1 nhân viên trông xe nhưng dịp đầu năm, mọi người gặp gỡ đầu xuân thường rủ nhau đi cafe nên quán lúc nào cũng đông khách.
Để đảm bảo phục vụ chu đáo, tận tình, tôi phải thuê thêm 2 nhân viên nữa thay ca nhau làm cho đỡ vất vả.
Tranh thủ thời gian nhiều nhà vẫn nghỉ Tết mình phải kiếm thêm. Cả năm ăn nhau mỗi dịp này chứ ngày thường nhà nào cũng mở cửa thì mình lại ít khách đi”, chủ quán chia sẻ.
Chị Hương Mai, chủ quán cafe trên đường Trần Duy Hưng bật mí: “Rút kinh nghiệm từ mọi năm, đêm 30 Tết vừa rồi, tranh thủ hoa quả bán tháo, mình mua thật nhiều để ra Tết xay sinh tố.
Mua hàng lúc đó vừa được hàng rẻ lại ngon. Sau Tết, hàng khan hiếm, giá hoa quả có tăng cao muốn mua còn không có.
Thu nhập một ngày đầu năm bằng cả 1 tuần trong năm. Thậm chí bằng cả một tháng ế ẩm trong năm. Lượng khách đông gấp đôi, gấp ba, chưa kể mình có thể nhích giá lên một vài đồng.
Chẳng hạn như cafe ngày thường giá chỉ từ 20.000 đồng - 25.000 đồng/cốc thì giờ mình có thể bán 30.000 đồng - 35.000 đồng/cốc, sinh tố, đồ ăn nhanh cũng thế…
Những dịp này một ngày thu về 10-20 triệu là điều bình thường", chị Mai khẳng định.
Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, các mặt hàng bách hóa, thời trang, ẩm thực, đồ uống cả kể thực phẩm, rau, thịt, cá tăng giá sau Tết là chuyện thường ngày ở huyện.
“Chuyện này xảy ra mấy chục năm không có gì là mới lạ, đáng quan tâm.
Hiện nay hàng trong siêu thị chưa có nhiều, người đi chùa chiền, lễ hội dẫn đến nguồn cung khan hiếm thì người ở lại bán hàng dĩ nhiên họ tăng giá là chuyện bình thường”.
Ông Phú nhận định: “Phải qua rằm tháng Giêng thị trường hàng hóa, giá cả mới đi vào ổn định”.