Chưa khi nào thị trường viễn thông lại xuất hiện nhiều
gói cước di động như giai đoạn hiện nay. Nếu như MobiFone có gói cước Q-Teen, Q-Student,
Mobi263 dành cho cán bộ đoàn, gói cước công nhân tại khu công nghiệp thì
Viettel có gói cước Hi-School cho trẻ em, sinh viên và gói Sea+ dành
cho ngư dân, cán bộ hải quân...
VinaPhone cũng không chịu thua kém khi tung ra thị trường các gói cước tương tự dành cho học sinh, sinh viên, cán bộ đoàn, giáo viên và cả lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam.
Nông dân là đối tượng khách hàng nằm trong chiến dịch chăm sóc của nhà mạng. Ảnh:Nongnghiep.
Về bản chất, việc nhà mạng đưa ra nhiều gói cước sẽ giúp người dùng di động có nhiều lựa chọn và được hưởng ưu đãi hơn. Tuy nhiên, khi số lượng các gói cước được nâng lên mức bội thực, bản thân người dùng cũng cảm thấy không mặn mà. Cách đây 3 ngày, do nhu cầu liên lạc nhiều, chị Hải Lý ở Quang Trung, Hà Nội quyết định dùng thêm một số di động nữa.
Trước khi đi mua sim, chị xác định hòa mạng một số điện thoại của MobiFone. Thế nhưng, tại cửa hàng, sau khi được nhân viên tư vấn về cách lựa chọn gói cước của cả 7 mạng di động, chị cảm thấy chóng cả mặt, hoa cả mắt. "Sau đó, tôi không biết nên lựa chọn loại thuê bao sinh viên, nông dân, người già hay trẻ em nữa. Loại nào cũng có mức ưu đãi và đại lý cam kết tôi chị cần cài sim vào máy là có thể sử dụng ngay", chị Lý kể.
Qua lần mua sim ấy, chị Lý ghi nhận chuyện khá hài hước là có khách hàng là cụ già hơn 70 tuổi cũng đăng ký sử dụng gói cước dành cho học sinh.
Ngược lại có vị khách lái xe hơi, dùng điện thoại iPhone 4S lại dùng gói cước dành cho nông dân hoặc công nhân... Chưa kể, có những người làm nghề xe ôm cũng hòa mạng gói cước dành riêng cho cán bộ đoàn hoặc lãnh đạo hội nông dân.
Theo VnExpress