Công ty xử lý nợ xấu không phải đũa thần

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trao đổi những vấn đề liên quan đến việc thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia để xử lý nợ xấu (VAMC) đang được dư luận quan tâm.

Việc thành lập VAMC tốn quá nhiều thời gian. Theo ông là vì sao?

Theo lộ trình, VAMC phải thông qua Bộ Chính trị. Đáng ra Bộ Chính trị họp cuối năm ngoái, nhưng rồi chậm lại. Thủ tướng sau đó muốn tháng Giêng thì ra được văn bản pháp lý, tạm gọi là nghị định.

Tháng Giêng chưa ra được thì đến tháng Hai, Bộ Chính trị họp, và đồng ý về nguyên tắc cho lập một định chế để xử lý nợ xấu. Sau đó, có các bộ, ngành họp lại và trình đề án cho Chính phủ cuối tháng Ba.

Tuy nhiên, lúc đó một số thành viên chính phủ chưa đồng ý, và Thủ tướng muốn một số bộ chưa đồng ý thì có ý kiến vào đó. Vừa rồi có họp lại và lấy ý kiến thêm, cho nên nhanh cũng phải tháng Năm mới ra được văn bản pháp lý cho VAMC. Anh Vũ Đức Đam (Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cũng nói là nhanh cũng phải tháng Năm mới thành lập được VAMC. Tức là phải có lộ trình.

Về cơ sở pháp lý cho VAMC, ông băn khoăn điều gì nhất?

Về ý tưởng, VAMC phải song song tiến hành hai biện pháp.

Biện pháp thứ nhất là không cấp tiền ngân sách, và không in tiền cho VAMC. Và như vậy, VAMC phải hoạt động theo cơ chế theo đó giúp kéo dãn rủi ro cho ngân hàng.

Bản chất là ngân hàng thương mại vẫn phải chấp nhận rủi ro, nhưng nay tôi dãn cho anh. Ví dụ, với khoản nợ xấu loại 4 là ngân hàng phải dự phòng rủi ro 50%, nay tôi dãn cho anh 20%, tức tôi kéo dài cho ngân hàng, chứ rủi ro thì ngân hàng vẫn phải chịu.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành

Trong khi khó khăn thanh khoản, thì cùng với biện pháp kéo dài đó, tôi hỗ trợ thanh khoản cho anh bằng trái phiếu chẳng hạn. Trường hợp ngân hàng không cần hỗ trợ thanh khoản thì thôi, còn nếu cần, thì vẫn phải chịu lãi suất.

Tức là NHNN ủy quyền cho NHTM theo cách đó. Có nghĩa, giải pháp đưa ra là rất yếu và rất mờ mịt. Vì bản chất cuối cùng của xử lý nợ xấu là phải mua và bán thật.

Ý ông là chỉ mình VAMC khó giải quyết được tình trạng nợ xấu hiện nay?

Phải thừa nhận VAMC không phải đũa thần, mà VAMC phải gắn với xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hỗ trợ kinh tế làm bất động sản ấm áp lên đôi chút, rồi quản lý cung tiền để đảm bảo ổn định vĩ mô.

Tức VAMC phải nằm trong tổng thể đó, chứ bản thân nó không giải quyết được vấn đề. Vừa rồi, có thảo luận lại thì nhấn mạnh hơn ý thúc đẩy mua bán nợ. Không có mua bán thật thì chỉ là trò ảo, 5 năm lại mua bán lại, về giấy tờ là chỉ dãn cho ngân hàng thôi.

Ngoài ra một số vấn đề liên quan đến thủ tục, bộ máy của VAMC phải minh bạch. Xã hội giờ rất bức xúc, động cái gì cũng nói lơi ích nhóm. Vừa rồi có bàn diện hẹp, thì NHNN sẽ sửa lại. Rồi đến tháng Bảy sẽ lập công ty cho vay mua thế chấp, nhằm vào phân khúc trung bình thấp.

Cùng với 30 ngàn tỉ đồng hỗ trợ bất động sản. Tư tưởng là tôi không hỗ trợ ai cụ thể, mà tôi hỗ trợ bên cầu. Bên cầu chọn là thị trường chọn, tư tưởng là thế. Phải có nhiều biện pháp tiến hành cùng lúc mới giải quyết được.

Ông còn băn khoăn điều gì nữa về vai trò của VAMC?

Bản chất VAMC là chỉ để xử lý tài sản thế chấp thôi. Trong khi đó, các DNNN có rất nhiều khoản vay không có thế chấp, hay tài sản đảm bảo.

Vì thế, xử lý nợ xấu của DNNN, chẳng hạn như Vinashin, thì là trách nhiệm của Bộ Tài chính. VAMC chỉ gắn với xử lý tài sản đảm bảo thôi, nên tôi mới nói phải tiến hành cải các DNNN, và nhiều biện pháp khác mới mong giải quyết được vấn đề hiện nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại