Trao đổi với báo chí ngày 27/2, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng và hoàn thành Dự thảo Nghị định thanh toán dùng tiền mặt. "Chậm nhất ngày 30/6 trình Thủ tướng để ban hành trong năm nay", ông Tiên nói.
Ngoài Nghị định này, năm 2013 Ngân hàng Nhà nước cũng có một loạt kế hoạch để đẩy nhanh Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, mục tiêu tới năm 2015, Việt Nam sẽ có 250.000 POS (điểm giao dịch chấp nhanh thanh toán thẻ).
Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt vừa được đưa ra để lấy ý kiến doanh nghiệp. Điểm mới trong dự thảo này là quy định không được thanh toán bằng tiền mặt khi mua chứng khoán, nhà ở, đất đai, các phương tiện đi lại như ôtô, xe máy, xe điện, áp dụng với mọi cá nhân.
Các tổ chức cũng không được dùng tiền mặt với các giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ôtô (bất kể giá trị giao dịch). Ngoài các giao dịch này, khi thanh toán cho tổ chức, cá nhân với số tiền vượt hạn mức thì các tổ chức cũng không được dùng tiền mặt.
Hiện cả nước có hơn 51 triệu thẻ ngân hàng, số máy ATM là hơn 14.000 chiếc, chưa kể 94.000 thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ. Tuy nhiên, hàng chục triệu tài khoản ngân hàng này chủ yếu vẫn chỉ dùng để rút tiền mặt thay vì chi tiêu qua thẻ và các tiện ích của ngân hàng. Một trong những lý do được nhiều người phản ánh là việc chi tiêu qua thẻ vẫn chưa được một số điểm kinh doanh khuyến khích.
Chính sách tại không ít siêu thị, trung tâm mua sắm hiện nay là nếu khách hàng thanh toán qua thẻ sẽ không được hưởng chiết khấu cũng như các chương trình giảm giá. Do đó, trước khi vào siêu thị, những khách hàng có nhu cầu mua sắm lớn thường rút tiền mặt để được hưởng quyền lợi khi thanh toán thay vì cà thẻ.
Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận có hiện tượng này và vị này còn cho biết, thậm chí có nơi tính thêm phí đối với khách hàng thanh toán bằng thẻ. "Tuy nhiên, đây là vấn đề mà một mình ngân hàng không giải quyết được", vị này chia sẻ.
Để đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có sự vào cuộc và góp sức của nhiều bộ ngành bởi đây là vấn đề của toàn xã hội. Ví dụ như có thể đề xuất Bộ Công thương quy định cứng tất cả trung tâm mua sắm, nhà hàng đều lắp đặt POS, Bộ Tài chính có chính sách giảm thuế hoặc tương tự để khuyến khích các điểm giao dịch thực hiện thanh toán qua thẻ...
"Chứ để một mình ngân hàng phải nài nỉ từng nơi mua sắm lắp đặt POS và phát triển mạng lưới thì vất vả cho ngành quá", đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.