BizLIVE đã có bài phân tích về kết quả hoạt động kinh doanh ngân hàng Việt năm 2015 đã cho thấy những khởi sắc trong lợi nhuận của ngân hàng.
Điều này cũng góp phần giúp giá cổ phiếu ngân hàng đã có những cơn sóng nhỏ sau gần 2 năm chìm lặng.
Tính đến cuối năm 2015, giá cổ phiếu của hầu hết các ngân hàng niêm yết trên sàn đã có sự tăng trưởng khi mức giá đã tăng 20-30%, có những cổ phiếu ngân hàng khi giá tăng đỉnh tăng tới 40-50% như mã VCB.
Mức giá khởi đầu năm 2016 của nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 từ 10% - 30%.
VCB có là “quán quân” tăng giá?
VCB
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) khởi đầu năm 2016 ở mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá 35.000 – 36.000 đồng/cổ phiếu 1 năm trước.
Mức giá đỉnh của VCB lên 54.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 7 và xuống lại.
Tuy nhiên, VCB đang về vùng giá trên 40.000 đồng/cổ phiếu cho thấy mã này đang trở lại mức giá thời kỳ 2008 khi cổ phiếu ngân hàng vẫn còn độ “hot”.
So với 2 ngân hàng lớn cùng Top là BID và CTG thì thị giá giá cổ phiếu của VCB bứt Top hẳn, gấp 2-3 lần thị giá của BID và CTG dù tổng tài sản và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngang ngửa nhau.
Năm 2016, thông tin nổi trội về VCB vẫn là liệu ngân hàng này có sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ khác hay không? Vì trong năm qua VCB đã sáp nhập “hụt” Saigonbank.
BID
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID) có kết quả kinh doanh đứng đầu trong khối khi lãi ròng năm 2015 đạt 5.841 tỷ đồng.
Trong năm 2015, mã BID đã tăng giá ngoạn mục từ 18.500 đồng/cổ phiếu cuối tháng 5/2015 lên mức đỉnh 25.000 – 26.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 9 khi thông tin chính thức về việc BIDV nhận sáp nhập MHB.
Tuy nhiên, giá BID đã giảm trở lại mức 15.000 – 16.000 đồng/cổ phiếu những ngày có thông tin nhiều nhân sự của MHB bị khởi tố đầu năm 2016, vẫn cao hơn so với mức khởi đầu năm 2015 ở mức 12.000 13.000 đồng/cổ phần.
Hiện giá giao dịch của BID đang xoay quanh mức 17.000 – 18.000 đồng/cổ phần.
Liệu BID còn có sóng khi vấn đề nhân sự của BIDV sẽ nóng trong năm nay khi vị Chủ tịch BID đã đến tuổi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, theo phân tích của CTCK ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thu nhập trước dự phòng của BID tiếp tục tăng trưởng trong năm 2016.
Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của BID cũng có thể tăng mạnh trong năm 2016.
Tổng nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2015 là 13.000 tỷ đồng, nâng tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt lên 28.000 tỷ đồng, làm tăng hơn 5.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro.
Thêm vào đó, BID có thể phải tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản vay nhằm tăng tỷ lệ bao nợ xấu, tiệm cận dần với các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.
Năm nay, BID cũng dự kiến phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược nhằm nâng cao năng lực tài chính và quản trị và đáp ứng tốt yêu cầu về vốn theo Basel II.
CTG
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (mã CTG) Vietinbank lãi ròng năm 2015 đạt 5.716 tỷ đồng.
Đầu năm 2016, giá CTG khởi đầu ở mức giá 16.000 – 17.000 đồng/cổ phần, tăng so với mức 13.000 14.000 đồng/cổ phần khởi đầu năm 2015.
Năm 2015, CTG cũng nổi sóng khi tăng đỉnh lên mức 23.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 7.
Thông tin nổi trội về CTG trong năm 2016 là việc đề xuất xin nới room nhà đầu tư nước ngoài lên 40% của Chủ tịch Vietinbank đã gửi lên Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2015.
Nếu thông tin này thành hiện thực thì giá cổ phiếu CTG sẽ là điểm sáng hút hàng nhà đầu tư.
MBB
Ngân hàng TMCP Quân Đội (mã MBB) những ngày đầu năm 2016 thực sự nóng trên sàn khi thông tin MBB được nới room cho nhà đầu tư ngoại từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Ngày 19/2/2016, MB đã bổ sung thêm 160 triệu cổ phiếu cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, Vietcombank nắm 7,16% cổ phần của MBB và MaritimeBank sở hữu 8,74%, và MaritimeBank đã chuyển nhượng thành công 64,2 triệu cổ phiếu MBB cho nhóm Dragon Capital.
Giá cổ phiếu của MBB cũng tăng mạnh trong những phiên nới room từ mức 13.000 – 14.000 đồng/cổ phiếu tăng liên tục lên mức 15.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 20%.
Hiện mức giá của MBB đang dao động ở vùng 14.700 đồng/cổ phiếu.
Theo phân tích của BSC, MBB có tỷ lệ cho vay trên huy động vốn thấp nên ngân hàng này có khả năng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng và qua đó cải thiện kết quả kinh doanh khi nền kinh tế phục hồi.
BSC cho rằng chi phí trích lập dự phòng của MBB trong năm 2016 ước khoảng 2.581 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.093 tỷ đồng, tăng 17%, EPS năm 2016 là 1.855 tỷ đồng/cổ phiếu.
STB
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (mã STB) kể từ sau chính thức nhận sáp nhập ngân hàng TMCP Phương Nam, giá cổ phiếu của STB lình xình quanh mức mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng tài sản của STB sau sáp nhập đã tăng 54% so với trước sáp nhập, lợi nhuận của STB vẫn lãi ròng nghìn tỷ dù trích lập dự phòng rủi ro gấp đôi số lãi kiếm được.
Với những chuyển biến tích cực về hoạt động sau sáp nhập, nhưng năm 2016 STB vẫn còn nhiều vấn đề về nhân sự cấp cao.
Thông tin của BizLive cho biết, năm nay cơ quan quản lý Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vất vả tham gia tái cấu trúc STB sau sáp nhập để ổn định hoạt động của ngân hàng này.
Vấn đề rắc rối của STB ở chỗ “chưa có tiền lệ nào cho thấy “cá bé nuốt cá lớn” như ở ngân hàng Việt”, một cổ đông của STB chia sẻ.
ACB
Mức giá của ACB hiện đang được giao dịch ở mức 19.000 – 20.000 đồng/cổ phiếu.
Theo BSC, trong giai đoạn 2012 – 2015, ACB đã dồn lực xử lý các tồn đọng rủi ro phát sinh trong năm 2012. Tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,31%, nợ xấu bán cho VAMC khoảng 2.500 tỷ đồng.
ACB đã hoàn tất xử lý bằng nguồn dự phòng đối với khoản tiền gửi tại ngân hàng Vietinbank với giá trị 695 tỷ đồng.
Thu nhập trước dự phòng của ACB được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm tới nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và tăng trưởng mảng bán lẻ vốn là thế mạnh của ACB.
Tuy nhiên, BSC lưu ý, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của ACB có thể tiếp tục tăng trong các năm tới.
Nguyên nhân, ACB có thể phải tăng trích lập dự phòng đối với các khoản tiền gửi tại GPBank (cũ) là 772 tỷ đồng, gia hạn tới 04/9/2016 và đã trích lập 0% và tại VNCB (cũ) với nợ nhóm 4 giá trị 400 tỷ đồng, đã trích lập 102 tỷ đồng.
ACB phải tăng trích lập dự phòng đối với dư nợ tín dụng tại nhóm 6 công ty thuộc sở hữu của Nguyễn Đức Kiên, trong đó nợ nhóm 2 trị giá 5.851 tỷ đồng, giá trị tài sản đảm bảo 5.271 tỷ đồng, đã trích lập 538 tỷ đồng và tại Tổng công ty Vinashin nợ nhóm 5 trị giá 314 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh tăng nhóm nợ hoặc đánh giá giảm tài sản đảm bảo, đặc biệt là các tài sản đảm bảo là khoản góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết, công ty TNHH có thể làm tăng mạnh chi phí dự phòng của ACB.
Trích lập dự phòng khoảng 396 tỷ đồng đối với 1.982 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
EIB
Giá cổ phiếu của EIB xoay quanh mức mệnh giá 10.000 – 11.000 đồng/cổ phiếu từ sau đại hội đồng cổ đông bất thường 15/12 đến nay.
Trong năm qua, tổng tài sản của EIB cũng sụt giảm 22%.
Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 62 tỷ đồng sau khi trích lập gần hết lợi nhuận có được trong năm 2015.
Thông tin nóng hổi về EIB vẫn là tiêu điểm của thị trường khi nhân sự cấp cao của EIB vẫn chưa được chốt chặn.
Thông tin trên thị trường cho thấy EIB vẫn sẽ bị liên quan từ STB trong thời gian tới.
Loay hoay dưới mệnh giá
SHB
Giá cổ phiếu của ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB) về dưới mệnh giá từ cuối năm 2010 đến nay sau khi nhận sáp nhập HBBank.
Mức giá đỉnh của SHB mà thị trường trả cũng chỉ ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 7/2015.
NCB
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (mã NVB) từ lâu vẫn được thị trường định giá ở mức dưới mệnh giá từ sau ngày chào sàn 13/9/2010.
Sau 1 tháng giá cổ phiếu của NVB rót về dưới mệnh giá và từ đó đến nay sau vụ đổi chủ từ ông Đặng Thành Tâm sang chủ mới là tập đoàn Gami thì giá của NVB chỉ loanh quanh ở mức 6.000 – 7.000 đồng/cổ phiếu.