NHNN cho biết sẽ thực hiện các biện pháp điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô.
Cân nhắc nếu điều chỉnh tỷ giá USD/VND
Một số chuyên gia đưa ra khuyến nghị nên giảm giá tiền đồng khoảng 3 - 4% để hỗ trợ xuất khẩu. Theo ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nếu so sánh tỷ giá song phương giữa VND và USD thì VND đang bị đánh giá cao khoảng 23%, bởi lạm phát của Việt Nam trong các năm vừa qua đã cao hơn rất nhiều so với lạm phát của Mỹ.
Vì thế, nếu không điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn mà trước hết là tác động xấu đến xuất khẩu. Ở chỗ, sức cạnh tranh hàng xuất khẩu giảm sút do hàng Việt Nam bị tăng giá, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu kém thêm.
Từ thực tế này, Chính phủ nên chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá thêm ở mức khoảng 4% trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều này cũng giúp hạn chế nhu cầu nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng năm 2013 nên giảm giá tiền đồng 4%.
Theo phân tích của TS. Thành, NHNN nên chủ động phá giá VND ở mức 3 - 4% trong cả năm, thực hiện theo một số bước, với biên độ phá giá 1 - 1,5%. Những năm tới, nếu cán cân thanh toán vẫn thặng dư, thì NHNN nên tăng cường mua USD dự trữ để phá giá VND thêm nữa.
Ông Thành cho rằng, nếu NHNN phá giá VND 4%/năm trong 3 năm liên tục, thì dự trữ ngoại hối sẽ tăng gấp đôi. Mức phá giá này cũng không phá vỡ cân đối giữa thị trường vốn nội tệ với ngoại tệ, vì chênh lệch lãi suất hiện nay giữa VND và USD khoảng 5%.
Trong khi đó, ô ng Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tuy tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhưng nhập khẩu của nước ta cũng rất lớn.
“Nếu 1 đồng nhập khẩu khẩu thu về từ 1 đồng xuất khẩu trở lên thì tốt, còn nếu nhỏ hơn thì càng xuất khẩu, càng lỗ. Từ năm 2000 đến năm 2008, tỷ lệ này ở nước ta là 1, có nghĩa là càng xuất khẩu càng có lãi. Song từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ này luôn xuống thấp hơn 1, có nghĩa càng xuất khẩu càng thiệt. Điều này có nghĩa, phá giá VND không có lợi cho nền kinh tế”, ông Lâm phân tích.
Theo Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, không thể điều hành tỷ giá một cách chung chung, đơn giản theo cách nghĩ cứ phá giá VND là hỗ trợ xuất khẩu được . Vì thực tế phải căn cứ vào cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời, phải cân đối với rất nhiều yếu tố khác đi kèm, từ vĩ mô đến vi mô.
Khi phá giá VND thì tác động không mong muốn đầu tiên là Việt Nam đã “nhập khẩu lạm phát”. Chưa kể, còn khuấy đảo và làm trầm trọng thêm tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng - một yếu tố được coi rất nguy hiểm trong điều hành bình ổn tỷ giá. Ngoài ra, khi phá giá VND, còn kích hoạt nhập khẩu trở lại.
2012 – Tỷ giá ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Có thể thấy, năm 2012 NHNN đã đ iều hành chính sách tỷ giá và ngoại hối chủ động, dẫn dắt thị trường, kết hợp với việc điều hành chính sách tiền tệ hợp lý đã đạt được mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Tỷ giá mua trung bình của các NHTM giảm 1% so với cuối năm 2011, chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do bị thu hẹp. T ỷ lệ đô la hóa (tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán) giảm xuống còn 12,3% từ mức 15,8% vào cuối năm 2011.
Việc tỷ giả USD/VND được duy trì ổn định đã đưa lại những kết quả tích cực đối với cân đối kinh tế vĩ mô trong nước. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 2 con số, chỉ tăng 6,81%. Hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc và vượt chỉ tiêu đề ra của Chính phủ.
Việt Nam bất ngờ xuất siêu lần đầu sau 19 năm. Cả năm 2012 Việt Nam đã xuất siêu 284 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 13% so với năm 2011. Cả năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước và đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây.
Khả năng thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được cải thiện so với cuối năm 2011. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động vốn tính đến cuối tháng 10/2012 ước khoảng 99%.
Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh. NHNN và TCTD đã mua được một lượng lớn ngoại tệ từ dân cư và các tổ chức kinh tế, góp phần quan trọng làm gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, đảm bảo an ninh tiền tệ và ổn định hệ thống ngân hàng.
Cán cân tổng thể thặng dư, cán cân vãng lai, cán cân vốn và tài chính duy trì thặng dư khá, góp phần ổn định cán cân thanh toán quốc tế.
2013-tiếp tục giữ ổn định giá trị của đồng Việt Nam
Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều so với năm 2012.
Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Mục tiêu chính sách tiền tệ vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát và tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý.
Do vậy, NHNN cho biết sẽ thực hiện các biện pháp điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô như lãi suất, lạm phạt, cán cân thanh toán nhằm hướng tới mục tiêu ổn định giá trị của đồng Việt Nam trong dài hạn góp phần tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước; tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục căn bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế, cũng như tập trung nguồn ngoại tệ vào hệ thống TCTD để tạo điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của nền kinh tế.
NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh ho ạ t phù hợp với các cân đối vĩ mô nhằm góp phần ổn định giá trị VND, kiểm soát kỳ vọng lạm phát, góp phần quan trọng hỗ trợ bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, NHNN sẽ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế và khuyến khích chuyển đổi từ vàng sang tiền đồng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế đất nước.