CJ - 'Người anh em' của Samsung là ai, đang làm gì tại Việt Nam?

Ít người biết CJ là tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam từ khá sớm.

Mới đây với việc ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc, Việt Nam tiếp tục là điểm đến được các doanh nghiệp nước này lựa chọn khi mở rộng kinh doanh tại thị trường nước ngoài trong năm 2015.

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và đầu tư), lũy kế hết năm 2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với tổng vốn Hàn Quốc đăng ký đầu tư tại Việt Nam đạt 36,7 tỷ USD và 4.063 dự án đầu tư còn hiệu lực.

Khi điểm danh những thương hiệu Hàn Quốc lớn tại Việt Nam, nhiều người biết đến Samsung, LG, Huyndai, KIA,… nhưng ít người biết đến CJ - tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam từ khá sớm.

Người anh em của Samsung

Sở dĩ gọi CJ là "người anh em của Samsung" bởi lẽ CJ vốn là một trong các nhánh của tập đoàn Samsung.

Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul qua đời năm 1987, tập đoàn Samsung tách thành 4 doanh nghiệp gồm: tập đoàn Samsung, tập đoàn Shinegae, tập đoàn CJ và tập đoàn Hansol vào năm 1991 và 1997.

Nguyên nhân của việc chia tách này bắt nguồn từ việc nhà sáng lập Lee Byung-chul đi ngược với truyền thống khi giao lại gia sản và công việc kinh doanh cho con thứ là ông Lee Kun-hee thay vì con cả là ông Lee Maeng-hee.

Tại thời điểm này ông Lee Maeng-hee từng giữ vị trí chủ tịch nhiều công ty nhỏ trong tập đoàn, cũng như nắm tới 17 vị trí lãnh đạo cao cấp khác nhau.

Lee Maeng-hee cũng từng là CEO tập đoàn vào năm 1967 nhưng không được lòng nhân viên.

Phong cách lãnh đạo của Lee Maeng-hee bị cho là cứng nhắc và không được yêu thích như người cha Lee Byung-chul.

Báo chí Hàn cho biết Lee Byung-chul đã viết trong hồi ký của mình rằng: Lee Maeng-hee đã khiến Samsung trở nên hỗn loạn chỉ trong vòng 6 tháng lên nắm quyền.

Không được trọng dụng, ông Lee Maeng-hee quyết định thành lập công ty Cheil Jedang (tên trước đây của tập đoàn CJ) và rời khỏi Samsung từ năm 1993.

CJ là tập đoàn như thế nào?

CJ tiền thân hoạt động là nhánh kinh doanh thực phẩm của tập đoàn Samsung. Năm 1953, tập đoàn này xây dựng nhà máy đường và sản xuất thành công đường nội địa sau chiến tranh.

Thời kỳ thiếu hụt thực phẩm này CheilJedang không chỉ cung cấp đường mà còn làm giảm bớt sự phụ thuộc của đường nhập khẩu, cải thiện đời sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc.

Năm 1962, CheiJedang lần đầu tiên xuất khẩu 200 tấn đường, đây cũng là đơn hàng đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc.

Không chỉ tham gia trong lĩnh vực sản xuất đường, năm 1958 CJ còn tham gia sản xuất bột mỳ, năm 1973 bắt đầu sản xuất thưc ăn chăn nuôi, sản xuất dầu ăn vào năm 1979,…

Đến năm 1982, CJ bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường nước ngoài như Indonesia, Mỹ. Ngoài công nghiệp thực phẩm, giai đoạn này CJ đầu tư mạnh cho hoạt động R&D trong lĩnh vực công nghệ Gen.

Những năm 1990s, CJ chuyển định hướng từ công ty thực phẩm sang công ty văn hóa và đời sống, đồng thời tách khỏi tập đoàn Samsung. Đến năm 1993, CJ hoạt động quản lý độc lập.

Năm 1996, CJ thành lập Cheil Golden Village (nay là CGV) chuyên về chiếu phim

Một năm sau đó CJ thành lập Dreamline liên doanh với Korea Expressway Corporationg trong ngành chuyển phát nhanh, và tham gia vào ngành tài chính với việc mua lại Cheil Investment & Securites.

Hiện tập đoàn CJ hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, Sinh học và dược phẩm, Giải trí và truyền thông, Truyền hình mua sắm (Homeshopping) và Logistics, Cơ sở hạ tầng.

Về công nghiệp thực phẩm

3 công ty con đảm nhiệm lĩnh vực này của tập đoàn là CJ CheilJedang, CJ Foodville, CJ Freshway.

Một số thương hiệu nổi tiếng như TOUR les JOURS, A TWOSOME PLACE, TWOSOME COFFEE, COLD STONE, VIPS, bibigo,… hiện thuộc sự quản lý của CJ Foodville.

Về Sinh học và dược phẩm

Tập đoàn này có 3 công ty con tham gia gồm CJ CheilJedang Bio, CJ CheilJedang Feed, CJ HealthCare. CJ HealthCare là công ty dược phẩm chuyên nghiên cứu về thực phẩm chức năng dành cho sức khỏe.

Về giải trí và truyền thông

Lĩnh vực này CJ có 4 công ty con gồm CJ E&M, CJ CGV, CJ HelloVision, CJ Powercast dẫn đầu về truyền thông, phim ảnh, âm nhạc, game, rạp chiếu phim, nội dung số.

Về truyền hình mua sắm và Logistics

Tập đoàn CJ có 3 công ty con gồm CJ O Shopping, CJ Korea Express, CJ OliveNetworks.

CJ là tập đoàn tiên phong trong ngành này cũng như đầu tiên về kênh mua sắm TV. CJ Korea Express hiện là doanh nghiệp logistics hàng đầu tại Hàn Quốc.

Về cơ sở hạ tầng

CJ tham gia các dự án xây dựng thông qua công ty con CJ Contruction.

Năm 2014, tập đoàn này thu về 19.572 nghìn tỷ won lợi nhuận hoạt động, tương đương 16,4 triệu USD, tăng nhẹ 3,8% so với năm 2013.

Tổng tài sản cuối năm tài chính 2014 của CJ đạt 23.039 nghìn tỷ won, tương đương gần 19,3 triệu USD.

CJ hiện làm gì tại Việt Nam?

Với vị trí địa lý thuận lợi, Đông Nam Á sớm là thị trường nước ngoài tiềm năng của tập đoàn CJ. Mục tiêu ban đầu của CJ là giành vị trí số 1 về logistics tại Đông Nam Á.

Hiện tập đoàn này đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang thức ăn chăn nuôi, truyền hình mua sắm, bánh kẹo, thậm chí là truyền thông.

Tại Việt Nam, CJ có mặt từ năm 1999 với việc thành lập công ty TNHH CJ Vina Agri chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Hiện CJ Agri là một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn với 3 nhà máy tại Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên.

Nhà máy đầu tiên được hoàn thành năm 2001 với công suất 120.000 tấn mỗi năm tại Long An hồi tháng 3.

CJ cũng ngỏ ý muốn mua cổ phần của công ty Vissan nhằm đầu tư sâu hơn vào ngành chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín mà hiện nhiều doanh nghiệp theo đuổi.

Ngoài ra CJ còn có một trang trại nuôi heo giống tại Bình Dương.

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, tập đoàn này làm việc với tỉnh Đồng Nai với dự định mở rộng đầu tư trên lĩnh vực sản xuất rau, quả, nhà máy sản xuất kim chi để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Sự hiện diện của CJ trong lĩnh vực truyền thông giải trí phải kể đến việc mua lại gần hết cổ phần của đối tác nước ngoài Envoy Media Partners (80% vốn liên doanh) trong liên doanh CTCP truyền thông Megastar, 20% còn lại thuộc về công ty văn hóa Phương Nam vào năm 2011.

Sau khi mua lại cổ phần, cụm rạp này được đổi tên thành CGV và là một trong những cụm rạp chiếu phim lớn và phát triển nhanh ở Việt Nam hiện nay.

Về lĩnh vực thực phẩm, 2 thương hiệu TOUR les JOUR và bibigo của CJ đã có mặt tại Việt Nam cũng như xây dựng nhà máy sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, thành lập công ty TNHH CJ Freshway tại Việt Nam.

Ngoài ra theo báo SaigonTimes cho biết, CJ còn hợp tác với một đối tác tại Tp.HCM để phát triển dịch vụ bán hàng qua truyền hình có tên Home Shopping trong 5 năm qua cũng như đang đẩy mạnh phát triển hơn nữa mảng kinh doanh này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại