Chuyện gì xảy ra nếu Thế Giới Di Động thâu tóm FPT Shop?

HẢI ĐĂNG |

Tổng giám đốc Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh được dẫn lời cho rằng họ cân nhắc phương án sáp nhập – mua lại trong năm nay, và FPT Shop là một đối tác đáng quan tâm.

Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) vừa tổ chức đại hội cổ đông hôm 26/2. Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh được các báo trích lời lại cho rằng, năm 2016 Thế Giới Di Động cân nhắc phương án sáp nhập – mua lại nhằm mở rộng quy mô.

Trên báo, ông Doanh cho rằng nếu FPT Shop được bán thì “cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động”, và cho rằng phương án mua lại sẽ đắt hơn nhưng nhanh hơn việc tự mở cửa hàng.

Ông Doanh nói thích cả hai phương án sáp nhập lẫn tự mở rộng chuỗi, tuy nhiên sẽ cân nhắc để thực hiện phương án có lợi hơn.

Giả sử Thế Giới Di Động mua lại FPT Shop thì hàng loạt câu hỏi sẽ đặt ra cho bên mua: Giữ hay bỏ cái tên FPT Shop?

Nếu bỏ, xử lý thế nào với các cửa hàng FPT Shop đặt rất gần kề với cửa hàng Thế Giới Di Động hiện nay? Giải quyết thế nào đội ngũ nhân sự cấp cao của FPT Shop?

Một chuyên gia trong ngành cho rằng chuyện Thế Giới Di Động đánh tiếng mua lại FPT Shop có thể chỉ là một chiêu đánh bóng tên tuổi, và việc mua lại khó xảy ra do phải xử lý bài toán dùng các cửa hàng FPT Shop gần với Thế Giới Di Động thế nào.

Trước Tết nguyên đán, bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc FPT Shop – chia sẻ với báo chí cho biết khó nhất trong việc mở rộng chuỗi chính là mặt bằng.

FPT Shop đặt mục tiêu mở 50 cửa hàng trong năm 2016, nhưng nếu việc tìm mặt bằng thuận lợi thì có thể mở nhiều hơn, bà Điệp nói.

Nếu thâu tóm FPT Shop, điểm lợi dễ thấy nhất của Thế Giới Di Động chính là mặt bằng của 269 cửa hàng FPT Shop và nhân viên bán hàng tại các điểm bán này.

Với những cửa hàng quá gần Thế Giới Di Động, công ty này có thể tận dụng để làm mặt bằng cho Điện máy Xanh, thậm chí Bách hóa Xanh, hay sang lại cho bên khác, trong trường hợp họ muốn khai tử thương hiệu FPT Shop.

Hiện nay Thế Giới Di Động vẫn đang là chuỗi bán lẻ công nghệ dẫn đầu Việt Nam, FPT Shop đứng thứ hai nếu xét về quy mô.

Doanh thu năm 2014 của FPT Shop đạt 5.226 tỷ đồng, tăng 178% so với năm 2013 có doanh thu là 2.932 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu FPT Shop đạt 7.832 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 148% so với năm 2014.

Theo tính toán từ trang CafeBiz, dựa trên mức tăng trưởng doanh thu, doanh thu FPT Shop có thể đạt gần bằng với doanh thu Thế Giới Di Động trong năm 2020, khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng so với hơn 70.000 tỷ đồng.

Rõ ràng FPT Shop có thể là một “cái gai” trong mắt Thế Giới Di Động, và việc đàn anh này muốn thâu tóm đàn em là việc hoàn toàn có thể xảy ra.

Tại đại hội cổ đông mới đây, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu 34,1 tỷ đồng doanh thu năm 2016, tăng 35% so với doanh thu năm 2015 là 25,2 nghìn tỷ đồng; và mở thêm 100 cửa hàng.

Hệ thống này hiện có 596 cửa hàng, hơn gấp đôi so với FPT Shop.

Nếu thâu tóm được FPT Shop, Thế Giới Di Động không chỉ bớt đi được đối thủ mà còn hoàn thành mục tiêu mở mới siêu thị trong vòng ít nhất hơn một năm nữa, doanh thu cũng tăng cao, tất nhiên số tiền phải bỏ ra để sở hữu FPT Shop không phải nhỏ.

Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh cũng được dẫn lời cho biết tham vọng của Thế Giới Di Động là cứ 10 điện thoại bán ra tại Việt Nam thì có 4 điện thoại của chuỗi này.

Thâu tóm được FPT Shop, mục tiêu này của Thế Giới Di Động sẽ đến nhanh hơn, thậm chí tỷ lệ có thể cao hơn.

Với thị phần lớn như vậy, hệ thống này sẽ có được lợi thế khi đàm phán về giá đối với các hãng bán thiết bị, từ đó có thể sẽ mang đến mức giá hợp lý cho khách hàng.

Đối với các hãng không đưa được sản phẩm vào hệ thống Thế Giới Di Động thì cơ hội tiếp cận khách hàng và mở rộng thị phần sẽ kém đi. Giả sử mất FPT Shop, người dùng cũng bớt cơ hội so sánh và trải nghiệm dịch vụ, giá cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại