Khởi hành từ sân bay Orly thủ đô Paris tới City Aiport là sân bay dành cho các hoạt động tài phiệt ở thủ đô London nước Anh, vốn được coi là kinh đô tài chính của thế giới.
Sau 40 phút bay, các nhà tài chính đến từ Paris kịp dự cuộc họp buổi sáng (“morning meeting”) bắt đầu vào lúc 8 giờ, giờ London.
93 chỗ ngồi trên khoang đều là hạng thương nhân, được bao trùm trong không khí thật yên lặng. Sự yên tĩnh buổi sớm mai còn ngái ngủ.
Sự yên tĩnh quen thuộc của những người chuyên làm việc trong những văn phòng có cánh cửa được bọc kín, còn tường là những lớp kính dày nhằm tránh mọi sự rò rỉ thông tin.
Đó là sự kín đáo của giới tài chính cao cấp, sự im lặng trị giá những đồng vàng. Ít người biết đến các hành khách đặc biệt này, họ rất kín đáo nhưng cũng đầy quyền lực.
Sức mạnh của họ nằm ở năng lực chuyên môn, đức tính kín tiếng, khả năng biết được những điều mà người khác không biết.
Họ cũng là những người biết lắng nghe, biết hành xử, và cuối cùng biết vạch ra chiến lược tài chính nhằm biến những giấc mơ chinh phục của các ông chủ hùng mạnh nhất nước Pháp hay châu Âu trở thành hiện thực.
Phần lớn là nam giới, và dường như họ cùng vận một thứ đồng phục.
Nếu có một phụ nữ thì người này còn có phần kín đáo hơn nữa, với bộ y phục áo vét quần dài nhạt màu.
Tất cả đều khoác những bộ com-lê thẫm màu cắt rất khéo hiệu Hartwood hay Zegna.
Lớp dưới là một chiếc sơ-mi hàng hiệu cùng bộ nút cài mang hàng chữ của Tiffany. Chân mang đôi giày John Lobb hay Weston. Mái tóc sáng mượt, cắt ngắn, sạch sẽ. Thật lịch lãm.
Không ai nhìn qua cửa sổ máy bay. Cũng chẳng ai để mắt tới các cô tiếp viên hàng không.
Họ tán thưởng một cách kín đáo những ai không làm phiền họ. Hiếm người uống trà hay cà phê, bởi vì trước đó họ đã dùng bánh mì và nước cam ép trong phòng chờ dành riêng ở sân bay Orly rồi.
Việc thường thấy là họ đọc sách, báo. Và dù họ là những người bận rộn, nhưng chẳng ai làm việc trong máy bay cả. Không phải vì họ không thích điều đó, mà bởi vì bọn họ chính là những “đối thủ “ cạnh tranh của nhau.
Đã có không ít dẫn chứng về những vụ thất thoát thông tin “chết người” bởi “tai vách mạch rừng”.
Rất dễ thấy ai là người mới vào nghề: “Mấy tay trẻ tuổi nói nhiều quá!” – một ông trung niên than phiền.
Những mẩu đối thoại giữa các hành khách của Cityjet thường ngắn gọn và cẩn trọng. Họ nói về tụi trẻ, về kỳ nghỉ hè, hay về những môn thể thao mà họ ưa thích như giải đấu tennis hoặc một cuộc đua thuyền buồm.
Đôi khi họ làm như không nhìn thấy nhau, ẩn mình sau những trang báo Financial Times hay Le Figaro, hoặc “mất hút” trong tách cà phê.
Dù vậy họ vẫn quan sát lẫn nhau. Sắc mặt trước hết. “Những người trẻ tuổi thường có vẻ mệt mỏi nhiều hơn cả. Điều đó có nghĩa là họ đã phải làm việc suốt những ngày cuối tuần cho cấp trên”.
Một dấu hiệu khác: Trong khi các bậc “trưởng lão” thường xách những chiếc cặp rất tinh tế mang nhãn hiệu Hermès hay Louis Vuitton, thì mấy tay trẻ tuổi lại kè kè một cái túi căng cứng bằng vải bạt, chứa đầy tài liệu về những vụ áp-phe đang theo đuổi.
Trên bìa những tập hồ sơ này không hề có tên của khách hàng cũng như tên dự án, chỉ có màu tấm bìa mới hé lộ cho thấy “danh tính” của nhà băng mà thôi…
Nhờ Cityjet mà giới doanh nhân có thể từ Paris đến London một cách nhanh chóng. “Đó là sân bay duy nhất mà hành khách có thể lên xe hơi chỉ 3 phút sau khi hạ cánh” – một nhân viên của Air France cho hay.
Mười phút sau họ đã có mặt tại trung tâm thành phố. Thêm 5 phút nữa để tới Canary Wharf, “đại bản doanh” của giới tài chính, nơi có gần cả trăm ngàn người làm việc.
Tất cả những nhà băng lớn nhất của thế giới đều nằm ở đây: HSBC, Morgan Stanley, Citigroup, Crédit Suisse, Lehman…
Cứ thế, những chuyến bay của Cityjet được thực hiện hằng ngày, quay về khi đã khá muộn, đường phố đã chìm trong ánh đèn đêm.
Hành khách của nó hầu như chẳng biết gì nhiều ở thủ đô London, về thành phố, về những viện bảo tàng và những cửa hàng ở đó.
Máy bay đã dừng trên đường băng của Orly, điện thoại di động lại đã bắt đầu reo….