Thịt bò là một trong những mặt hàng tăng giá sớm nhất trong đợt này. Tại chợ Mỹ Đình, Hà Nội, thịt bò thăn tăng giá từ 230.000 lên 240.000 đồng mỗi kg. Một số khu vực như chợ Nghĩa Tân ở Cầu Giấy, chợ Tứ Liên ở Tây Hồ, giá thịt bò thăn tăng 20.000-30.000 đồng lên 250.000 đồng.
Chị Hồng, tiểu thương bán thịt tại chợ Nghĩa Tân cho biết giá thịt bò đã nhích nhẹ từ cuối tháng 12, sau khi điện tăng giá .
"Bao giờ cũng thế, cứ xăng hay điện tăng giá là ảnh hưởng dây chuyền đến chợ búa vì người trồng rau cũng cần xăng, cần điện để sản xuất kinh doanh", chị giải thích.
Thịt gà cũng tăng giá khá mạnh dù chưa đến Tết. Tại chợ Nghĩa Tân, giá gà ta tăng mạnh từ 115.000 đồng tuần trước lên 125.000 đồng mỗi kg. Tại chợ Ngã tư Sở, giá gà ta lên tới 160.000 đến 170.000 đồng, tăng 20.000 đến 30.000 đồng so với trước. Gà mía tại đây có giá 120.000 đồng mỗi kg.
Thông thường, giá thịt gà luôn tăng vào dịp cận Tết. Các tiểu thương đánh giá năm nay, giá thịt gà tăng sớm hơn mọi năm.
Giá thịt bò, thịt gà đã tăng nhẹ, còn thủy hải sản tăng mạnh trong dịp này dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Âm lịch. Ảnh: AQ
Thủy hải sản tăng giá mạnh trong và sau dịp Tết dương lịch. Tại chợ Thành Công, các loại cá quả dao động từ 180.000 đến 200.000 đồng tùy kích cỡ. Cá quả loại nhỏ tại chợ Nghĩa Tân tăng giá từ 130.000 từ 140.000 đồng mỗi cân. Lươn tăng giá mạnh từ 150.000 lên 200.000 đồng.
Giá tôm sú loại to có hàng giữ nguyên giá cũ 350.000 đồng một kg, nhưng có nơi đẩy giá lên 380.000 đồng chưa mặc cả. Tại chợ Thành Công, cua ghẹ tăng 20% so với trước. Ghẹ loại vừa có giá 300.000 đến 350.000 đồng. Cua gạch có nơi bán tới 400.000 đồng mỗi kg.
Tại chợ Mỹ Đình, giá hải sản đã hạ nhiệt nhẹ so với dịp Tết dương lịch, nhưng vẫn cao hơn so với trước đó. Tôm sú to tại đây hiện có giá 390.000 đồng mỗi kg, tăng nhẹ so với mức 370.000 đến 380.000 đồng một tuần trước. Hôm thứ hai, nhu cầu mua hải sản Tết dương lịch đẩy giá tôm sú to tại chợ này lên tới 430.000 đồng. Chị Huyền, bán tôm cá tại chợ Mỹ Đình giải thích đợt này khan nguồn cung nên giá tăng.
Riêng thịt lợn vẫn giữ giá trong dịp sau Tết dương lịch. Thịt nạc vai giá 100.000 đồng mỗi kg. Thịt mông 90.000 đến 95.000 đồng. Tai lợn không đổi so với trước, ở 120.000 đồng một kg.
Không chỉ thịt, cá, giá rau xanh cũng tăng nhẹ 1.000 đến 4.000 đồng trong tuần vừa rồi với lý do thời tiết lạnh. Một số tiểu thương cho biết trời mưa rét nên nhiều loại rau không mọc được, gây khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên, bên cạnh các loại rau dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết như xà lách, cải cúc, giá củ quả khác cũng đắt lên do người bán tự động đẩy giá "ăn theo".
Tương tự, tại TP HCM, giá các loại thịt gà, thịt bò đã được đẩy cao từ tuần trước. Mỗi kg thịt bò tăng từ 3.000 đến 8.000 đồng tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Còn ở chợ Văn Thánh, quận Bình Thạnh, giá thịt bò tăng từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg, loại thường giá từ 150.000 đến 180.000 đồng, loại ngon nhất giá 220.000 đồng mỗi kg.
Trứng vịt và trứng gà tăng 500 đồng mỗi quả ăn theo giá gia cầm tăng, nhưng không mấy người mua. Lý do người tiêu dùng đưa ra là chưa an tâm lắm khi ăn thịt gà và trứng vì thông tin trứng Trung Quốc, gà thải khiến người dân lo lắng.
Nguyên nhân khiến giá cả ngoài chợ tăng lên là do giá cả ở các chợ đầu mối tăng lên. Ngoài ra tiểu thương lại mất thêm chi phí vận chuyển nên giá các mặt hàng có đội lên đôi chút.
Chị Linh, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu cho biết: "Khi giá cả ở các chợ đầu mối tăng lên, thì việc buôn về bán lại tại các chợ lẻ có giá đắt hơn 2.000 đến 10.000 đồng là chuyện đương nhiên".
Trong khi thịt tăng giá nhẹ, giá các loại thủy hải sản tăng mạnh so với thời điểm cách đây hơn một tuần. Tại chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ, Thái Bình, tôm tăng từ 10.000 -20.000 đồng/kg, trong đó tôm sú nguyên liệu loại lớn có giá 180.000 đồng/kg, tôm sú loại nhỏ có giá 160.000 đồng/kg. Ghẹ được bán với giá từ 220.000 đến 250.000 đồng mỗi kg tăng từ 10.000 đến 20.000 đồng tùy kích cỡ.
Theo tiểu thương tại chợ Thái Bình, nguyên nhân của việc tăng giá các loại thủy, hải sản là sản lượng thu hoạch giảm, giá nhập tăng nên người bán phải nâng giá tránh bán lỗ vốn. Đồng thời, đây là thời điểm cuối năm, giáp Tết nên nhiều vùng nuôi thủy, hải sản tăng giá theo xu hướng thị trường.
Thêm vào đó, nhu cầu chế biến thủy, hải sản xuất khẩu của các doanh nghiệp vào thời gian này tăng cao nên giá nguyên liệu tăng mạnh, khiến cho thị trường nội địa tăng theo.