Năm 2014, doanh thu của FPT Software là 2.900 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ và quân số 7.000 người.
Công ty này cũng được đánh giá là doanh nghiệp phần mềm lớn nhất Việt Nam về doanh thu và nhân lực, và là 100 doanh nghiệp Outsourcing hàng đầu của thế giới (The 100 Global Outsourcing) do IAOP đánh giá.
Tuy nhiên, mỗi lần nhắc đến FPT Software, mọi người vẫn nhắc nhiều hơn đến 2 từ “gia công” và mong mỏi có 1 sản phẩm phần mềm trên thế giới made by Vietnam như Nguyễn Hà Đông từng làm với Flappy Bird.
“Gia công” hay “sáng chế”?
* Nhắc đến FPT Software, mọi người vẫn nhắc đến 2 từ “gia công” nhiều hơn là “sáng chế”. Ông có buồn vì điều này?
Ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Software: Tôi không thấy buồn. Những người nói như vậy là không làm trong ngành Software (phần mềm).
Hiện ngành Software trên thế giới chia làm 2 hướng, gồm Software Product (sản phẩm phần mềm) và Software Service (dịch vụ phần mềm).
Rất nhiều công ty sản xuất và bán phần mềm như Microsoft, nhưng trên thực tế, những công ty lớn nhất trên thế giới về phần mềm lại là những công ty về Software Service.
IBM - doanh thu chính và nguồn nhân lực chủ yếu trong số gần 450.000 người của họ lại làm Software Service.
Hay như “ngũ đại gia” ở Ấn Độ gồm: TCS (Tata Consultancy Services), Infosys, Wipro, Cognizant và HCL, có tổng cộng khoảng 1 triệu người.
5 công ty này cũng có sản phẩm phần mềm riêng của họ, nhưng nổi tiếng hơn là làm về Software Service.
FPT Software cũng vậy. Chúng tôi cũng tranh cãi nhau mãi là chúng ta làm về Sản phẩm nhiều hơn hay Service nhiều hơn. Và chúng tôi định hướng làm Service nhiều hơn.
Công bằng mà nói, số công ty sản xuất phần mềm trên thế giới rất ít.
Trong Software Service, từ mà mọi người hay nhắc đến là Outsourcing và được dịch ra tiếng Việt là “gia công” – tôi không thích dùng từ này.
Thường trong ngành phần mềm, người ta gọi là Outsourcing, tức các công ty sẽ thuê bên ngoài hay nói cách khác là ủy thác một số công ty chuyên nghiệp làm một số dịch vụ của họ.
Outsourcing là xu thế trên cả thế giới. Ai cũng biết Nike không hề có công nhân may nào, họ thiết kế và thuê công ty khác gia công, sản xuất.
Trong ngành phần mềm cũng vậy, nhiều khách hàng sau khi nghĩ ra ứng dụng, thiết kế, họ sẽ thuê người khác lập trình, testing và triển khai.
Cũng có khách hàng chỉ nói yêu cầu và mình phải tự nghiên cứu, thiết kế, sau đó triển khai đến thành phẩm cuối cùng.
Mọi người hay tranh cãi tại sao không làm sản phẩm? Làm sản phẩm tốt thì tuyệt vời, nhưng để làm được sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thế giới là cả con đường dài.
Tôi vẫn nghĩ đến một ngày đẹp trời chúng ta sẽ làm được. Cách đây 3 năm, khi tôi nói như vậy, rất mừng sau đó đã có Nguyễn Hà Đông và Flappy bird - một ứng dụng có tới hàng chục triệu người trên thế giới tải về.
Tuy nhiên, để nói đến chuyện làm ra những ứng dụng cho ngành công nghiệp ô tô, ngành hàng không, tài chính ngân hàng... là thực sự khó!
* Tuy nhiên, trong một chuỗi giá trị, gia công hay Outsourcing như ông nói chỉ ở tầng thấp nhất với biên lợi nhuận thấp nhất. FPT Software có định hướng đẩy mạnh mảng sáng chế trong tương lai?
Hiện chúng tôi có những sản phẩm phần mềm được sử dụng trên toàn cầu.
Có những sản phẩm mà ý tưởng và thiết kế là của các hãng, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm mà chúng tôi thực hiện ngay từ công đoạn đưa ra ý tưởng đến nghiên cứu, thiết kế và triển khai.
Tuy nhiên, mình chưa ở vị thế để có thể chủ động bán ra được nhiều hơn. Nhưng tôi tin rằng trong thời gian ngắn tới, sẽ có những sản phẩm như vậy.
Chúng ta nên tránh ảo tưởng và cần nhìn nhận một điều là ngoài những sản phẩm lớn từ Mỹ, Israel, và một vài nước, phần lớn những nước lớn nhất trên thế giới không có các sản phẩm phần mềm toàn cầu.
Cũng giống như Nguyễn Hà Đông có Flappy Bird – một ứng dụng nhỏ nhưng tuyệt vời, chúng tôi tin rằng trong những năm tới chúng tôi sẽ có nhiều hơn sản phẩm bán trên thị trường toàn cầu.
* Vậy trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD của FPT Software vào năm 2020, đóng góp của mảng Outsourcing và mảng sản phẩm cụ thể là bao nhiêu?
Chúng tôi đang đặt mục tiêu cố gắng thực hiện khoảng 80% ở thị trường Outsourcing và 20% là những sản phẩm liên quan đến R&D (nghiên cứu và phát triển) và domain.
* Báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng: Mảng Outsourcing của FPT Software vẫn lấy giá làm lợi thế cạnh tranh chính.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận trước thuế của mảng này đang ngày càng giảm, từ 21,7% năm 2012 chỉ còn 21% vào năm 2013, và còn 17,7%.
Đồng thời đưa ra dự báo doanh thu mảng này sẽ ngày càng tăng nhưng biên lợi nhuận dự kiến thấp hơn quá khứ...
Thay vì bình luận về nhận xét trên, tôi xin chia sẻ câu chuyện thực tế như sau:
Trước đây, chúng tôi chỉ làm Outsourcing thuần túy. Từ 2012, chúng tôi quyết định đầu tư vào R&D.
Cũng từ năm này, chúng tôi quyết định đầu tư vào việc đào tạo tiếng Nhật cho các kỹ sư tin học Việt Nam, đồng thời đầu tư vào lĩnh vực domain expertise (năng lực chuyên ngành).
Việc đầu tư này tất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Nếu phân tích một cách chính xác, chuyên gia phân tích kia đã quên mất là chúng tôi bị ảnh hưởng bởi tỷ giá đồng Yen.
2012, tỷ giá đồng Yen là 83 Yen đổi 1 USD; 2014, tỷ giá này là 108 Yen đổi 1 USD. Trong khi đó, một nửa doanh thu của chúng tôi đến từ thị trường Nhật Bản.
Đến ngày hôm nay, tỷ giá là 125 Yen/USD. Nói thẳng ra, so với 3 năm trước đây chúng tôi đang bị ảnh hưởng 45% doanh thu, lợi nhuận, vì tỷ giá.
Còn câu chuyện giá rẻ, cần lưu ý rằng các khách hàng hiện nay của FPT Software là những công ty giàu nhất thế giới. Đừng nói chuyện cứ giá rẻ là được. Đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng.
Tại sao trước đây họ không chọn chúng tôi mà bây giờ lại chọn? Trước đây chúng tôi cũng rẻ mà?
Tại sao công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới chọn chúng tôi? Tại sao một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới chọn chúng tôi? Tại sao một trong những hãng viễn thông lớn nhất thế giới chọn chúng tôi?
Tất nhiên giá rẻ là một lợi thế.
Nhưng lý do quan trọng hơn là bởi chúng tôi đã quyết định chọn đi vào xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới – SMAC - là từ viết tắt của Social (Xã hội), Mobile (Di động), Analytics (Phân tích, dựa trên Dữ liệu lớn) và Cloud (Đám mây).
Khi chọn xu hướng đó, khoảng cách giữa chúng ta với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới không lớn.
Trong khi ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực đi sau các nước khác khoảng 10-20 năm về trình độ, thì nói về Big Data (Dữ liệu lớn), khoảng cách chỉ 1 - 2 năm.
Tất nhiên, đi vào xu hướng công nghệ rất mạo hiểm. Nếu xu hướng đã rõ ràng thì cả làng công nghệ đã nhảy vào.
Khi lựa chọn theo xu hướng nào là đã mạo hiểm, chúng tôi nên nhận là do may mắn nên chúng tôi chọn đúng.
* Như anh nói, doanh thu và lợi nhuận của mảng Outsourcing phụ thuộc rất nhiều vào tỷ giá ngoại tệ, như FPT Software hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Nhật?
Không sao. Nhật là thị trường quá to lớn mà chúng ta mới làm được một chút. Hiện 83% Outsourcing tại Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Quốc, chỉ 4% là thuộc về VN.
FPT Software tại Nhật Bản có doanh thu gần 100 triệu USD, trong khi thị trường Outsourcing thuần túy tới 3 tỷ USD. Thị trường unlimited (không giới hạn – PV) để chúng ta phát triển.
* Thành công của FPT Software thì đã được nhắc đến nhiều, nhưng khó khăn hay thất bại thì còn hiếm...
Khó khăn nhất của Việt Nam là nguồn lực. Để làm việc ở thị trường toàn cầu, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải tương ứng.
Đừng nghĩ cứ rẻ hơn là được. Rẻ hơn là một lợi thế, nhưng nếu chỉ rẻ hơn chắc chắn sẽ không ra được thị trường toàn cầu.
Bởi chúng ta đang làm ở những nước tiên tiến nhất thế giới, với khách hàng là những công ty lớn nhất thế giới.
Báo cáo bằng diễn tuồng, hát rap và Opera
* Nói đến văn hóa doanh nghiệp ở FPT Software, tôi nghĩ ngay đến đoạn anh đọc báo cáo công ty bằng rap hay trình bày báo cáo bằng diễn tuồng...
Bạn chưa nghe tôi hát Phantom of the Opera rồi.
Khi chúng tôi cần trình bày về chiến lược, thay vì một file powerpoint, chúng tôi quyết định sử dụng âm nhạc cuốn hút đầy kịch tính của Phantom of the Opera để lồng ghép nội dung về chiến lược của FPT Software.
Cách trình bày này sẽ dễ đi vào lòng người.
Nói về văn hóa doanh nghiệp của FPT Software thì tôi có nhiều điều để chia sẻ.
Thực tế, làm trong lĩnh vực phần mềm phải dành 8 – 12 tiếng/ngày nhìn chằm chằm vào “người tình mặt vuông” – màn hình máy tính - đấy là công việc rất nhàm chán.
Nếu không tạo ra được sự sáng tạo, môi trường lành mạnh, chắc chắn sẽ các bạn sẽ bỏ việc rất nhanh, hoặc công việc rất nhàm chán, chất lượng công việc không cao.
Bên cạnh đó, tuổi trung bình của đội ngũ FPT Software là 26, phần lớn ở độ tuổi 24 – 25, vừa mới ra trường, nếu môi trường không trẻ trung, vui vẻ, càng khó giữ người.
Cũng vì là lớp trẻ, các bạn muốn sự trong sáng, minh bạch, tính dân chủ, quyền được nói, quyền được làm những gì mình thích.
Đây cũng là truyền thống 27 năm ở FPT khi bất kỳ ai cũng được nói những gì mình nghĩ và được làm những gì mình thích.
* Liên quan đến vấn đề tuyển dụng, Chủ tịch FPT Telecom từng chia sẻ rằng để vào FPT, bằng giỏi cũng có thể bị loại. Điều này có đúng ở FPT Software?
Các bạn trẻ hiện nay có thể khi đi học thì giỏi nhưng đi làm chưa chắc đã giỏi.
Khi đi học, các bạn mới sử dụng một vài kỹ năng, mà để đi làm được cần rất nhiều kỹ năng khác, như có khả năng làm việc với người khác (khả năng này không chỉ là khả năng teamwork), kỹ năng làm việc trong một dự án lớn như viết được báo cáo, trình bày cho người khác hiểu, viết những dòng lệnh mà người khác có thể sử dụng....
Vì vậy, rất nhiều bạn học giỏi nhưng đi làm không giỏi, chứ học giỏi đương nhiên là nhiều ưu thế và dễ dàng được nhận.
Có rất nhiều bạn giỏi tiếng Anh, điểm thi cao nhưng không giao tiếp được bằng tiếng Anh, vậy làm sao sang Mỹ làm việc?
Hay rất nhiều bạn lập trình rất giỏi, nhưng khi cần trao đổi, hay viết các dòng lệnh để người khác sử dụng thì không ai hiểu được. Có lẽ, họ sẽ phù hợp với một môi trường khác, chứ không phải do họ kém.
* Đây có phải hạn chế chung của sinh viên Việt Nam hiện nay?
Không phải chỉ riêng sinh viên Việt Nam. Trong đội ngũ của chúng tôi, có hơn 300 người là người nước ngoài, là các sinh viên từ gần 20 quốc tịch như Mỹ, Nhật, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập, Myanmar, Philippines...
Và tôi thấy đó là nhược điểm chung của sinh viên.
* Tôi vừa trò chuyện với một nhân viên của FPT Software. Nhân viên ấy nói rằng ở FPT Software cái gì cũng tuyệt, trừ lương. Việc quản trị và giữ chân người tài ở FPT Software thế nào?
Phần lớn các em kêu ca về lương, bởi các em còn trẻ và chưa có kinh nghiệm.
Thực chất mà nói, với việc học trong nhà trường, trình độ lập trình chưa đủ, trình độ ngoại ngữ rất kém, thực ra nói thẳng là các em chưa đáp ứng được yêu cầu của FPT Software.
Vào FPT Software, một trong những việc đầu tiên là phải học. Khó ai yêu cầu người đang đi học được trả lương cao.
Và việc phải tự học liên tục trong một vài năm dường như là rất khó khăn với các bạn trẻ bây giờ. Vì vậy các bạn thường kêu lương thấp là đúng.
Tôi cũng đã nói rất thẳng thắn: Ai không sẵn sàng học cái mới, không sẵn sàng hàng ngày học thêm, không sẵn sàng học thành thạo ngoại ngữ, thì đừng làm FPT Software.
Tuy nhiên, phương châm của chúng tôi trong việc giữ chân người tài là trao cho họ cơ hội.
Các bạn có thể thấy, phần lớn chuyên gia công nghệ ở FPT Software có tuổi đời dưới 30, phần đông cán bộ quản lý trong độ tuổi từ 30-35.
Ở FPT Software, chỉ cần bạn có năng lực và tâm huyết, cơ hội phát triển theo mong muốn thực sự nằm trong tầm tay bạn.
* Ông thường có những phát ngôn rất thẳng. Do vậy, các bạn trẻ hâm mộ ông cũng nhiều nhưng cũng nhiều người “ném đá” khi ông phát ngôn quá thẳng...
Tôi xin trích lời của diễn viên hài kịch Mỹ nổi tiếng Bill Cosby: “Tôi không biết chìa khóa để thành công, nhưng tôi biết chìa khóa để thất bại là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người”.
* Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu năm 2020 của FPT Software là đạt doanh thu 1 tỷ USD và số nhân sự lên tới 30.000 người.
Tham gia vào một sân chơi được ví như “World Cup” của các công ty dịch vụ phần mềm toàn cầu, FPT Software hiện có trên 350 khách hàng là các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, Hàng không, Năng lượng, Công nghiệp ô tô, …., đồng thời, đang là đối tác tư vấn cấp cao về công nghệ Cloud, Mobility của Amazon Web Services, Microsoft.