Đầu tư nhiều trong lĩnh vực bất động sản, với các sản phẩm có giá lên tới hàng tỉ đồng, nhưng Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết lại có quan điểm: kinh doanh bất động sản cũng không khác gì kinh doanh bánh kẹo.
Tuy nhiên, góc nhìn có vẻ “dị” ấy vẫn đang là lý do chính giúp FLC sở hữu danh mục dự án khổng lồ và sự tự tin sẽ thu về gần 20.000 tỷ đồng doanh thu từ bất động sản trong thời gian tới.
Bán cái khách hàng cần
Được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích cho thị trường bất động sản khu vực Cầu Giấy nói riêng, Hà Nội nói chung, nhưng đến thời điểm này, FLC vẫn chưa công bố kế hoạch mở bán sản phẩm dự án FLC Twin Towers tại 265 Cầu Giấy. Lý do là gì vậy, thưa ông?
Đúng là các dự án bất động sản tại khu vực Cầu Giấy thời gian qua đều rất nóng, do cung ít, trong khi cầu lớn.
Dự án đáp ứng về vị trí đẹp, thuận lợi giao thông như 265 Cầu Giấy mà FLC đang triển khai thì lại càng không nhiều.
Chúng tôi đã nhận được hàng nghìn đơn đăng ký xin mua sản phẩm và đặt cọc của khách hàng tại dự án này. Ngay trong quý IV/2015, FLC sẽ thực hiện mở bán sản phẩm.
Quan điểm của FLC là cân bằng giữa lợi ích của công ty với lợi ích của khách hàng.
Chúng tôi không chỉ có một dự án 265 Cầu Giấy, nên không thể kinh doanh theo kiểu chộp giật, kiếm lời một dự án rồi bỏ chạy. Đó là lý do khách hàng yên tâm là sẽ không có tình trạng găm giá cao để bán.
Thậm chí, chúng tôi cho rằng, cũng giống như kinh doanh bánh kẹo, hai yếu tố quan trọng là phải đúng thị hiếu người tiêu dùng và phải đưa sản phẩm ra đáp ứng ngay nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn, từng địa bàn.
Xin ông giải thích rõ hơn? Có vẻ như quan điểm này không logic lắm, vì bánh kẹo là hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn, người mua có thể dễ dàng ra quyết định mua, còn bất động sản thì lại hoàn toàn ngược lại?
Thực ra, nếu bạn có tiền sẵn, có nhu cầu mua nhà thì bạn có sẵn lòng ra quyết định mua ngay khi tìm được dự án tốt, vị trí và giá cả phù hợp, và nhất là lại ở khu vực người mua nhiều hơn người bán?
Tôi cho rằng, quan trọng nhất là bán cái khách hàng cần, với giá cả hợp lý, đúng thời điểm thì sẽ bán thành công.
Bánh kẹo là sản phẩm có thời gian lưu hành sau sản xuất ngắn, ở Việt Nam lại mang tính mùa vụ khá cao, nên nếu không bán được ngay sau sản xuất là sẽ có nguy cơ thua lỗ vì sản phẩm hỏng.
Vì thế, bạn phải chọn được loại bánh kẹo nào phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng, có chiến lược bán hàng phù hợp, bằng không, bạn sẽ thất bại.
Và với doanh nghiệp bánh kẹo, đây là khâu quan trọng nhất, vì một khi đã có công nghệ, quản trị, năng lực tài chính tốt, thì việc sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường không phải là vấn đề quan trọng nữa.
Kinh doanh bất động sản, về bản chất, cũng thế!
Với năng lực tài chính, bộ máy hoạt động chuyên nghiệp và kinh nghiệm triển khai hàng loạt dự án, chúng tôi có thể làm ra hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn sản phẩm bất động sản ở hàng loạt dự án.
Nhưng, bước đầu tiên quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi: thị trường cần bao nhiêu sản phẩm ở phân khúc nào? FLC sẽ lựa chọn phân khúc nào ở từng địa bàn dự án để đảm bảo hiệu quả kinh tế?
Thị trường cần sản phẩm gì, FLC sẽ có sản phẩm đó. Đó là lý do FLC chọn lựa rất kỹ khi mua lại và phát triển các dự án.
Các dự án mà chúng tôi triển khai phải luôn đảm bảo được nhiều yếu tố: thuận lợi về vị trí địa lý, kết nối hạ tầng tốt; đánh trúng phân khúc sản phẩm “hot” của khu vực và thiết kế đẹp, chất lượng cao.
Hiện nay, FLC có rất nhiều sản phẩm khác nhau ở nhiều khu vực, từ căn hộ tầm trung cho tới cao cấp, nhà liền kề, biệt thự hay biệt thự nghỉ dưỡng…
FLC không thiếu dự án, có dư năng lực triển khai, nhưng chúng tôi luôn thận trọng từng khâu nghiên cứu khả thi dự án để đáp ứng yêu cầu thị trường và tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông.
Và khi có sản phẩm, chúng tôi cũng đặt kế hoạch phải đưa ngay ra thị trường, vì đó là câu chuyện tài chính nhằm tăng vòng quay vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư dù giá bán cạnh tranh.
Không phải ngẫu nhiên các dự án của FLC đều hấp dẫn ngay từ lúc chưa mở bán sản phẩm.
Sẽ không tăng giá bán
Ông nói FLC không thiếu dự án. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về các dự án bất động sản FLC sẽ mở bán trong thời gian tới?
Như thông tin FLC đã trao đổi với cổ đông và các nhà đầu tư từ mấy năm nay, trong giai đoạn thị trường trầm lắng, FLC đã đẩy mạnh việc mua lại, sáp nhập và phát triển các dự án bất động sản.
Có những dự án chúng tôi đã theo đuổi từ lâu, và bây giờ mới là giai đoạn hoàn thiện nhiều dự án mới.
Từ cuối năm 2015 sẽ là thời điểm FLC chào bán ồ ạt các dự án, không chỉ là những dự án mà tập đoàn đã công bố, mà cả những dự án lần đầu được giới thiệu đến công chúng, ở nhiều phân khúc như: căn hộ, nhà liền kề, biệt thự… tại nhiều dự án thuộc các quận khác nhau thuộc khu vực Hà Nội và cả một số tỉnh khác.
Cụ thể, từ cuối năm 2015, FLC sẽ cung cấp khoảng trên 2.000 căn hộ cao cấp, hơn 500 biệt thự, nhà liền kề tại Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy Hà Nội; hơn 2.000 căn biệt thự nghỉ dưỡng, nhà liền kề… cùng gần 1.000 căn hộ tại Thanh Hóa, Quy Nhơn, ước thu về gần 20.000 tỷ đồng từ nhóm sản phẩm này.
Năm 2016, nếu thị trường tiếp tục thuận lợi, FLC sẽ có thể cung cấp ra thị trường số lượng sản phẩm nhiều hơn thế, với tổng quy mô thu tiền về dự kiến lên tới ngưỡng tỷ USD.
Vì sao FLC lại chọn thời điểm cuối năm 2015 để ồ ạt tung hàng ra thị trường, thưa ông?
Tôi cho rằng, cuối năm là thời điểm tốt để mở bán, không chỉ phù hợp với tiến độ thi công, mà còn đón được tâm lý người dân thường hay đẩy nhanh mua nhà vào thời điểm cuối năm và đón dòng kiều hối.
Năm 2014, kiều hối về Việt Nam khoảng 12 tỷ USD, và năm nay dự báo sẽ tăng khoảng 20% so với năm trước.
Trong khi đó, Luật Nhà ở mới cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam cũng là một yếu tố kích thích dòng vốn này vào bất động sản.
Đây là lý do khiến tôi tin tưởng rằng, các dự án mà FLC chào bán sẽ không chỉ nóng bởi sức hấp dẫn nội tại, mà còn được hỗ trợ về mặt thị trường bởi việc tăng tổng cầu.
Chúng tôi ý thức được sức nóng các dự án mình đang và sẽ triển khai, nhưng tôi khẳng định, FLC sẽ không tăng giá bán.
Tôi hy vọng, nhà đầu tư sẽ tìm thấy cơ hội sinh lời và sự may mắn của mình khi gắn bó với FLC.