Chờ Vinashin, Vinalines đứng vững rồi mới trả nợ

"Số nợ còn lại của Vinashin, Vinalines Chính phủ phải khoanh lại khi nào 2 đơn vị này đủ điều kiện sẽ trả nợ sau".

Chiều 2.4, Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2013, các vấn đề mở rộng nâng cấp đường Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam, cũng như tình hình tái cơ cấu Vinalines, Vinashin rất được báo chí quan tâm.

Không có chuyện dày đặc trạm thu phí

Mở đầu cuộc họp báo, rất nhiều phóng viên báo chí đặt nghi vấn về việc mở rộng nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 1A trong bối cảnh suy thoái kinh tế liệu có làm tăng thêm nhiều gánh nặng của người dân và các doanh nghiệp vận tải khi song song với việc mở rộng tuyến đường này là các trạm thu phí sẽ mọc lên dày đặc.

Chờ Vinashin, Vinalines đứng vững rồi mới trả nợ
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, con tàu Vinashin đang dần đi vào quỹ đạo.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Việc mở rộng tuyến Quốc lộ 1A được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Kênh huy động vốn từ các nhà đầu tư qua hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao), PPP (hợp tác công tư) đóng vai trò quan trọng khi ngân sách còn hạn hẹp.

Vì huy động vốn theo BOT nên phải tính phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư thông qua việc xây dựng thêm trạm thu phí BOT với mức thu cao gấp 1,5 - 3,5 lần trong thời hạn tối đa không quá 25 năm", Thứ trưởng Trường lý giải:

"Bộ GTVT đã cân nhắc kỹ lưỡng và nhận thấy nếu dùng hoàn toàn ngân sách nhà nước thì phải tốn 120.000 tỷ đồng và tuyến đường này chỉ được tiến hành mở rộng sau năm 2020, như thế thì quá lâu. Do đó chúng ta chỉ cần đóng một khoản phí nhỏ nhưng rõ ràng nhân dân và DN sẽ được hưởng lợi hơn nhiều khi tuyến đường này hoàn tất trong năm 2016".

Cũng theo ông Trường, bên cạnh đó Bộ GTVT cũng ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có. Tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp đường sắt tốc độ cao…

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020 ưu tiên nâng cấp hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, đạt tốc độ tàu bình quân khoảng 90km/ giờ, nghiên cứu phương án khả thi đường sắt tốc độ cao.

Chờ vững rồi mới trả nợ

Cũng trong cuộc họp này, giới báo chí rất quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu, trả nợ của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết:

"Trong thời gian vừa qua, từ chỗ là một Vinashin rất khó khăn, một Vinalines đứng trên bờ vực phá sản, sau 1 năm cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của Bộ GTVT, đến nay công ăn việc làm của 2 tổng công ty, tập đoàn này cơ bản được giải quyết, còn tồn tại về các khoản nợ sẽ phải giải quyết trong nhiều năm sau khi Vinashin, Vinalines vực dậy được.

Vấn đề hiện nay đối với Vinashin, Vinalines là sắp xếp lại tổ chức bộ máy để thực hiện đúng trọng tâm, đi đúng quỹ đạo, ví dụ như Vinashin là phải tập trung đóng tàu và sửa tàu. Tất cả những đầu tư ngoài ngành của 2 đơn vị này đều chấm dứt, đồng thời loại bỏ các công ty cháu, chắt để thu hồi vốn về.

Số nợ còn lại của Vinashin, Vinalines Chính phủ phải khoanh lại khi nào 2 đơn vị này đủ điều kiện sẽ trả nợ sau, đây không chỉ là cách làm của Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng làm tương tự".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại