Một vài năm trở lại đây, với việc thắt chặt nguồn vốn cho vay của ngân hàng khiến không ít các doanh nghiệp cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất cũng như tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng biến động thất thường cùng với việc thắt chặt cho vay tín chấp cuối năm, khiến những người có nhu cầu vay chi tiêu nhưng không có tài sản thế chấp phải tìm đến “gõ cửa” các công ty tài chính.
Việc nở rộ của dịch vụ cho vay tín chấp tại các công ty tài chính (cho vay không cần tài sản thế chấp, chỉ cần kê sao bản lương nhận được trong 3 tháng gần nhất) là một biện pháp cứu cánh tức thời cho những người có nhu cầu thực sự. Thủ tục vay đơn giản, giải ngân tiền nhanh chóng, tuy nhiên, lãi suất của các công ty rất cao so với mặt bằng lãi suất ngân hàng.
Thế nhưng, bên cạnh cách công ty làm ăn chân chính thì cón có không ít các công ty vì muốn đạt đượclợi nhuận cao cũng như muốn lôi kéo khách hàng nên đã có những cách làm không chính đáng. Đặc biệt, nó gây ra không ít khó chịu cũng như bực bội cho khách hàng khi các công ty tài chính tỏ ra quá quan tâm, săn sóc các "thương đế" của mình.
Chị Lan, một nhân viên văn phòng than thở: "Mấy hôm trước, tôi có cần một khoản tiền kha khá để nhập thêm hàng. Thế nhưng chạy vạy cả tháng trời tại các ngân hàng mà thủ tục vay vốn của tôi vẫn chưa được phê duyệt. Bí bách quá nên tôi đành "liều vay nóng" tại một công ty tài chính khá nổi tiếng trong thời gian chờ vốn ngân hàng rót về. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy khá thích thú với kiểu vay vốn dễ dàng này nhưng do lãi suất khá "chát" nên tôi chưa vay luôn mà "về suy nghĩ". Tối hôm đó, tôi nhận được điện thoại của một người tự nhận mình là nhân viên công ty tài chính lúc sáng tôi ghé qua. Người này nói liên tục trong gần 30 phút đồng hồ để giới thiệu cũng như tìm cách lôi kéo tôi vay vốn. Chưa hết, những ngày sau đó, bất kể thời gian, họ cũng liên tục gọi tới đề nghị tôi nhanh chóng đến làm thủ tục vay không "mấy hôm nữa nguồn vốn khan, chị sẽ phải đợi mất nhiều thời gian". Quá bức xúc cũng như cảm thấy bị làm phiền nên tôi đã thẳng thừng từ chối. Họ coi khách hàng cứ như con nợ hay sao mà cứ liên tục gọi điện làm phiền mãi. Nếu người ta muốn thì không cần nói nhiều người ta cũng đến".
Còn bác Bình, một cán bộ về hưu tại quận Thanh Xuân lại cảm thấy ngao ngán vì điện thoại của mình luôn nhận được những tin nhắn quảng cáo cho vay tiền của các công ty tài chính. "Một hôm, khi đang có buổi họp quan trọng với các bác trong hội người cao tuổi trong tổ dân phố, bất ngờ điện thoại của tôi báo có tin nhắn. Khi tôi bỏ ra xem thì chỉ là một tin nhắn quảng cáo cho vay tín chấp của một công ty tài chính tên C. được gửi đến bằng một đầu số di động. Điều là tôi bất bình chính là việc những tin nhắn quảng cáo này liên tục được gửi đến số thuê bao của tôi trong khi tôi đâu có đăng ký nhận thông tin từ nhà mạng. Tôi nghi ngờ các nhà mạng đã để lộ thông tin khách hàng ra ngoài. Có vậy thì người ta mới biết mà nhắn tin tới chứ".
Thiết nghĩ, việc cho vay, hỗ trợ tài chính là điều tích cực và cần thiết. Thế nhưng với cách làm việc không biết tính toán, cân nhắc như vậy đã khiến không ít người có ác cảm với công việc vũng như cách thức hoạt động của các công ty này. Nhiều khi, chính sự thiếu thiện cảm này đã làm mất lòng tin cũng như gây ra tâm lý hoang mang, nghi ngờ của khách hàng. Và giờ đây, khi nhắc đến công ty tài chính thì luôn nhận được những câu trả lời có phần miệt thị "lừa đảo, làm phiền cuộc sống của mọi người".