Nhiều tuyền phố như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đội Cấn, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám… chỗ nào cũng có điểm kinh doanh khuyến mãi.
Nhiều nơi mức khuyến mãi, giảm giá lên tới 50 - 70% nhằm kích cầu tiêu dùng. Điều đáng nói là đằng sau các biển hiệu khuyến mãi hấp dẫn, người tiêu dùng có thể gặp những điều bực mình, mất thời gian.
Theo phản ánh của đường dây hỗ trợ tiêu dùng trong Tháng hành động vì người tiêu dùng, tổng đài 1081 đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người tiêu dùng gặp phải các chiêu trò khuyến mãi như:
Sau khi mua hàng xong mới phát hiện điểm kinh doanh có hiện tượng nâng giá lên rồi giảm giá để câu khách; hàng khuyến mãi đã hết “size”, cận “date”; không phải khuyến mãi tất cả các mặt hàng mà chỉ một số nhóm mặt hàng nhất định; hàng khuyến mãi là hàng tồn…
Một trong những chiêu khuyến mãi theo kiểu lập lờ tại cửa hàng quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc có treo biển giảm giá từ 10-30%. Khi khách hàng vào chọn đồ, mua hàng ra thanh toán thì được nhân viên cho biết, hàng khách chỉ được giảm giá 10%.
Quá thắc mắc vì trên giá sản phẩm quần áo chỉ có giá bán không có mức khuyến mãi. Dù khách hỏi tất cả các mã sản phẩm trong cửa hàng có thì mới biết tỉ lệ hàng giảm giá với mức cao chỉ chiếm khoảng 10%.
Khảo sát của PV Báo Lao Động trên các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố đều có từ 50-70% số cửa hàng treo biển khuyến mãi, giảm giá, xả hàng cho thấy số lượng điểm kinh doanh áp dụng các chương trình khuyến mãi khá nhiều.
Qua thực tế người tiêu dùng hãy cảnh giác với các chiêu khuyến mãi để đỡ mất tiền, mất thời gian lại mua thêm bực mình.
Đồng thời cơ quan chức năng tích cực vào cuộc để dẹp nạn “mùa mùa khuyến mãi”, “nhà nhà khuyến mãi” trá hình như hiện nay nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.