Shiseido là nhãn hàng mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật đã được công ty TNHH TM XD Thuỷ Lộc đưa vào Việt Nam phân phối từ năm 1997. Từ đó đến nay, nhãn hàng này đã từng bước chiếm lĩnh thị trường mỹ phẩm Việt Nam, hệ thống cửa hàng bán lẻ được mở rộng ra tại các tỉnh thành lớn của cả nước, trọng điểm là tại Hà Nội và TPHCM. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Việt Nam cũng tham gia vào phát triển hệ thống bán lẻ sản phẩm này.
Nhà đầu tư các cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido trưng biểu ngữ phản đối tại các cửa hành (ảnh nhà đầu tư cung cấp)
Với lợi nhuận rất cao thu được ở thị trường Việt Nam, hãng mỹ phẩm Shiseido đã quyết định mở công ty Shiseido Việt Nam (SCV) và đối tác phân phối vẫn là Thủy Lộc. Sau đó hãng này còn quyết định xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên ở khu vực ASEAN tại Việt Nam với quy mô hơn 40 triệu USD. Bà Lê Hoài Anh, Tổng giám đốc Cty Thủy Lộc còn được xưng tụng là “Nữ hoàng Shiseido Việt Nam”…
Tuy nhiên, “cuộc hôn nhân êm đẹp” đó giữa nhãn hàng Shiseido và Thủy Lộc dần thay đổi kể từ đầu năm 2010, khi Thủy Lộc chuyển quyền quản lý, điều hành việc kinh doanh cho SCV. Đỉnh điểm là vào nửa cuối năm 2011, hàng chục nhà đầu tư vào các cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido phản đối vì kể từ khi SCV điều hành kinh doanh thì các cửa hàng họ đầu tư bắt đầu thua lỗ nặng, tình trạng này chưa từng xảy ra trong hơn 10 năm trước đây.
Sau nhiều lần phản ánh lên lãnh đạo SCV và Thủy Lộc nhưng không được giải quyết thấu đáo, các nhà đầu tư này tổ chức phản đối tập thể, dọa đóng cửa cửa hàng bán lẻ… để làm áp lực lên nhà phân phối và công ty mẹ. Sau đó, lãnh đạo SCV hứa hẹn sẽ bồi thường cho những nhà đầu tư này nên sự việc tạm lắng được một thời gian.
Sau sự kiện “cơm không lành, canh không ngọt” này, Thủy Lộc cho là SCV quản lý yếu kém nên dẫn đến thua lỗ, không báo cáo rõ ràng và công khai kết quả kinh doanh cho các nhà đầu tư… Từ đó, Thủy Lộc yêu cầu chấm dứt hợp đồng tư vấn quản lý với SCV.
Tuy nhiên, SCV không đồng ý và hối thúc Thủy Lộc phải thanh toán công nợ tiền hàng cho họ. Thủy Lộc thì không đồng ý thanh toán vì cho là phải giữ lại số tiền này để đảm bảo có thể thanh toán các khoản chi phí mà Thủy Lộc/SCV vẫn chưa thanh toán đồng thời bồi thường cho các nhà đầu tư như đã hứa hẹn.
Lấy lý do Thủy lộc không chịu thanh toán tiền hàng kéo dài, vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng bán lẻ nên ngày 6/1, SCV kiện Thủy Lộc ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; ngày 13/1, SCV tuyên bố chấm dứt hợp đồng bán lẻ với Thủy Lộc. Sau đó, SCV công bố trên các phương tiện truyền thông hệ thống cửa hàng bán lẻ chính thức của họ, xóa tên tất cả các cửa hàng có hợp tác đầu tư với Thủy Lộc cũng như các nhà đầu tư nhỏ khác.
Ngày 2/2, Thủy Lộc cũng tổ chức họp báo tại TPHCM, tuyên bố chấm dứt hợp tác với SCV, kết thúc “cuộc hôn nhân” kéo dài 15 năm giữa Thủy Lộc và nhãn hàng mỹ phẩm Shiseido.
Thủy Lộc tổ chức họp báo tại TPHCM
Chỉ có nhà đầu tư nhỏ là thua thiệt
Tranh chấp của SCV và Thủy Lộc là cuộc chiến giữa đơn vị chủ thương hiệu và đơn vị phân phối ban đầu. Thủy Lộc và cả SCV đều nhất quyết không cung cấp nội dung các hợp đồng mà hai bên đã ký kết với nhau nên chúng tôi cũng không có căn cứ để phân định ai đúng, ai sai? Họ đang đấu đá nhau hay ngầm thỏa thuận để chuyển giao hệ thống phân phối theo phương thức có lợi nhất?…
Tuy nhiên, một điều dễ thấy là với xu hướng tranh chấp kéo dài như trên thì chỉ có những nhà đầu tư nhỏ lẻ là thua thiệt nhất. Trong số hơn 40 cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido thì có gần 20 cửa hàng do 13 nhà đầu tư nhỏ hợp tác cùng Thủy Lộc để phát triển.
Sau khi kiện Thủy Lộc ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, SCV còn gửi đơn yêu cầu phong tỏa tài khoản của Thủy Lộc tại các ngân hàng, phong tỏa hàng hóa của Thủy Lộc tại 42 kho và cửa hàng, trong đó có 18 cửa hàng có phần vốn góp của 13 nhà đầu tư nhỏ. Như vậy, SCV ép các nhà đầu tư nhỏ vào tình thế bắt buộc phải đóng cửa vì hàng đã bị phong tỏa, hàng mới thì không được SCV cung cấp, SCV cũng không cho họ quyền sử dụng thương hiện Shiseido để bán hàng...
Theo các nhà đầu tư nhỏ, sau khi yêu cầu phong tỏa hàng hóa tại các cửa hàng bán lẻ, động thái tiếp theo để chiếm lĩnh thị trường của SCV là liên hệ với chủ nhà các địa điểm mở cửa hàng bán lẻ trên để đề nghị họ chấm dứt hợp đồng cho thuê với các nhà đầu tư nhỏ và cho SCV thuê.
Bà Thanh Hương, nhà đầu tư góp vốn 1 cửa hàng tại Hà Nội cho biết: “Trước tết tôi mở cửa hàng bán thì công an phường không cho vì bảo là hàng đã bị phong tỏa. Rồi chủ nhà cũng liên hệ với tôi yêu cầu thanh lý hợp đồng thuê nhà. Nếu sau khi chúng tôi trả nhà, SCV chỉ cần thuê lại và mở cửa hàng trở lại tại đây thì kể như là họ chiếm mất cửa hàng chúng tôi đã đổ tiền gầy dựng uy tín hơn 10 năm nay mà không phải mất đồng nào à?”.
Bà Diễm Trang, nhà đầu tư góp vốn 1 cửa hàng ở TPHCM cho rằng: “Kiểm soát hoàn toàn thị trường bán lẻ là hướng đi của Shiseido. Tuy nhiên, có hai cách để kiểm soát thị trường: 1 là thương lượng mua lại, 2 là chiếm đoạt. Bằng cách này, Shiseido đã muốn chiếm đoạt hoàn toàn thị trường chúng tôi đã bỏ hàng chục năm xây dựng mà không phải bỏ ra đồng nào để mua lại”.
Trước đó, vào tháng 11/2011, SCV đã đồng ý sẽ bồi thường thiệt hại cho việc kinh doanh thua lỗ trong 2 năm 2010, 2011 cho các nhà đầu tư nhỏ. Sau đó mới thỏa thuận lại phương án hợp tác giữa SCV và các nhà đầu tư là thế nào (mua lại phần vốn góp của các nhà đầu tư hay tiếp tục hợp tác phát triển).
Nhóm 13 nhà đầu tư đã đề xuất con số 97 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng thì SCV không đưa ra con số cụ thể và gần đây thì im bặt, lãnh đạo công ty cũng né tránh gặp mặt các nhà đầu tư. Ngày 2/2, khi PV Dân trí cùng các nhà đầu tư nhỏ đến gặp lãnh đạo SCV thì bị chặn lại, sau một hồi Cty này cử ra một nhân viên đại diện bảo họ không có thẩm quyền giải quyết và SCV sẽ tổ chức họp báo trả lời các vấn đề báo chí và nhà đầu tư quan tâm sau, nhưng thời điểm thì không biết là bao giờ.
Các nhà đầu tư nhỏ đến gặp lãnh đạo SCV tại trụ sở Cty này nhưng bị chặn lại bên ngoài cửa Cty
Hành động này của SCV cũng dễ hiểu vì đến thời điểm này có lẽ họ cũng không cần gặp các nhà đầu tư nhỏ để thương lượng bồi thường, mua lại phần vốn góp. Vì với động thái chấm dứt hợp đồng bán lẻ, phong tỏa hàng hóa trên thì SCV không mất đồng nào để mua lại phần vốn góp của các nhà đầu tư nhỏ mà vẫn chiếm được các cửa hàng bán lẻ này.
Bà Thanh Hương than thở: “Thương trường như chiến trường, cũng rất đẫm máu. Chỉ thiệt cho chúng tôi, chưa ra biển lớn bao giờ nên làm sao biết được những thủ đoạn thôn tính tinh vi như vậy”.
Hiện 13 nhà đầu tư nhỏ đang dự định kiện cả Thủy Lộc và SCV để đòi quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, quyền lợi của họ chỉ có thể do Thủy Lộc giải quyết vì họ hợp tác chính thức với Thủy Lộc. Còn Thủy Lộc lại đang dính vào tranh chấp với SCV và tài khoản cũng đã bị phong tỏa. Do đó, phải chờ tranh chấp giữa SCV và Thủy Lộc kết thúc thì mới giải quyết được quyền lợi cho các nhà đầu tư nhỏ. Hành trình đó không biết đến bao giờ!
Theo Dân Trí