Chiến lược nhà ở xã hội vì doanh nghiệp?

Theo Đất Việt |

Nhà ở xã hội phải xác định đối tượng phục vụ là người dân thay vì cứ kêu cứu thay cho các doanh nghiệp.

Thay vì tiếp cận từ vị trí người dân để phân tích chính sách phát triển nhà ở xã hội thì nhiều đơn vị quản lý có vẻ lại đang kêu cứu thay cho doanh nghiệp và nhắm vào mục tiêu bằng mọi giá phải bán được nhà.

Trong một phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng được đăng tải trên VOV có trích quan điểm lo cho doanh nghiệp: “Nhà ở cho người giàu làm rất dễ, nhưng nhà ở cho người nghèo làm rất khó. Làm nhà cho người nghèo giá phải rẻ, quy mô phải nhỏ, nên lãi ít, các doanh nghiệp không mặn mà làm loại nhà này.

Trong khi đó, cơ chế chính sách hiện hành chưa thu hút, khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các chương trình nhà ở xã hội. Vì vậy thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước. Cho nên, phải xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở cho người nghèo.”

Làm nhà ở cho người giàu rất dễ, vậy tại sao chúng ta không tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở cao cấp để bán cho người giàu? Thay vào đó phải chuyển hướng, nhằm vào người thu nhập thấp để làm khó cho doanh nghiệp vì phải đau đầu giải quyết bài toán khó: giá rẻ, lãi ít?

Trong khi đó, một thực tế hiện hữu: bất động sản đóng băng sau khi thành bong bóng, nhà ở trung - cao cấp không bán được nên bắt buộc phải chuyển hướng để các doanh nghiệp thu được tiền về.

Trên báo Tiền Phong ngày 14/2 cũng có đưa lời của Bộ trưởng Dũng phân tích quan hệ nhân quả nhưng theo hình vòng tròn: “Trong lúc thị trường bất động sản đang đóng băng như hiện nay thì việc tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản gắn với việc phát triển nhà ở xã hội giúp chúng ta giải quyết được nhiều việc.

Thứ nhất là người dân nghèo từng bước cải thiện nhà ở. Thứ hai, là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nếu họ hướng vào kinh doanh bất động sản. Cùng với đó sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến kinh doanh bất động sản như: doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, đồ nội thất...

Việc hỗ trợ vốn tín dụng cho các dự án bất động sản vay và kinh doanh phát triển nhà ở là việc bình thường của kinh tế thị trường, nhưng vấn đề chính là các dự án có tính thanh khoản, có người mua thì mới cho vay vì ngân hàng cũng phải có lợi, doanh nghiệp cũng phải có lợi và người mua thì phải đúng với nhu cầu thanh toán của mình…”

 

“… Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế vì bất động sản đóng băng như hiện nay là một “nút thắt” ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nhưng việc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản phải xem xét giải quyết khó khăn cho hàng tồn kho bất động sản vì tồn kho bất động sản là rất lớn và nó chôn một lượng tiền lớn ở đấy, không luân chuyển được, nên giảm cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh…” – Bộ trưởng Dũng cho biết.

Ngược lại, TS Vũ Đình Ánh lại có cái nhìn giản dị hơn: “Bây giờ, muốn phát triển nhà ở xã hội, ngay từ đầu phải xác định được đối tượng phục vụ là ai, thực tế họ làm gì, thu nhập và khả năng trả nợ của họ như thế nào, nhu cầu của họ về căn hộ thu nhập thấp, nhà ở xã hội với vị trí ở đâu, số tầng là bao nhiêu, diện tích, các công trình dịch vụ...?”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại