Chia nhỏ Petrolimex để phá thế chi phối giá?

thanhthao |

Cần chia Petrolimex thành 3 doanh nghiệp độc lập chịu trách nhiệm từng khâu nhập khẩu, phân phối và bán lẻ.

Petrolimex hiện là doanh nghiệp chiếm đến 55% thị phần và có sức ảnh hưởng khá lớn đến việc quyết định mức giá xăng tăng, giảm trong nước.

Nhìn lại thời gian gần đây thì thấy trong quá trình đề xuất tăng giá xăng, một đầu mối xăng dầu nhỏ, thị phần thấp thường đề xuất tăng giá trước tiên. Doanh nghiệp chiếm thị phần cao như Petrolimex thì rất dè dặt và ít có các tuyên bố về đề xuất tăng giá. Petrolimex luôn là doanh nghiệp kín kẽ nhất về các mức giá đề xuất tăng. Tuy vậy, trước giờ tăng giá, hầu hết các doanh nghiệp đều có động thái nghe ngóng mức giá mà Petrolimex đưa ra và sau đó áp theo mức này.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: “Chia tách Petrolimex để tránh lùng bùng như bấy lâu nay!”. Theo ông Doanh, việc chia tách Petrolimex sẽ không làm xáo trộn thị trường như nhiều người băn khoăn, bởi hệ thống bán lẻ và cơ sở vật chất của Petrolimex vẫn như thế. Việc chia sẽ tiến hành theo hướng lập ba công ty riêng, có hạch toán riêng và độc lập. Mỗi công ty sẽ chịu trách nhiệm từng khâu như nhập khẩu, phân phối và bán lẻ. 

chia-nho-petrolimex-de-pha-the-chi-phoi-gia

Thực tế, trên thế giới từ trước tới nay khâu nhập khẩu là khâu riêng. Xăng được nhập về ngày nào, giá bao nhiêu sẽ được công khai. Đơn vị nhập về sẽ bán cho đơn vị có bồn xăng (phân phối). Doanh nghiệp phân phối trên cơ sở đó tính thêm chi phí, thuế để ra giá bán lẻ. Khâu bán lẻ vẫn như hiện nay. Quan trọng là tạo thêm sự công khai minh bạch, tránh che giấu các số liệu. Hiện nay chẳng ai biết khi doanh nghiệp nâng giá thì số xăng cũ của là bao nhiêu, nhập ở giá nào”.

Ủng hộ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Với sức vóc hiện nay, Petrolimex là doanh nghiệp có lợi thế lớn trong nhập khẩu và phân phối. Nếu tách riêng hai khâu này, đơn vị nhập khẩu có thể cùng lúc bán cho Petrolimex và các doanh nghiệp khác, bước đầu phá thế thống lĩnh, tạo được sự cạnh tranh giữa các đơn vị nhập khẩu trong việc bán xăng dầu cho các đơn vị phân phối.

TS Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh: Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh. Petrolimex đang thống lĩnh nên nhiều người đặt ra vấn đề chia nhỏ Petrolimex bằng cách cổ phần hóa, hoặc có thể chia làm ba khâu như ý kiến của TS Lê Đăng Doanh. Điều này là tất yếu “trước, sau gì cũng phải làm, vấn đề là phải có đề án rõ ràng và khả thi”.

Tuy vậy, TS Nguyễn Ngọc Sơn, ĐH Kinh tế-Luật TP HCM, băn khoăn: Nếu chia Petrolimex thì vẫn có nhiều rủi ro.

Ví dụ, chúng ta chia ra nhưng chính ba doanh nghiệp đó vẫn thỏa thuận với nhau thì sao? Vấn đề là ở chỗ con người và cơ chế. Mỗi khi doanh nghiệp tăng giá, ta phải xét giá đó có hợp lý hay bất hợp lý. Nếu có gì uẩn khúc thì là do chính cơ chế giám sát doanh nghiệp thống lĩnh, doanh nghiệp độc quyền của chúng ta chưa mạnh chứ không nằm ở việc chia tách doanh nghiệp. Nếu chia ra thì vẫn là bình cũ rượu mới thôi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại