Khi mà cuộc khủng hoảng nợ khu vực Eurozone buộc các gia đình phải thắt chặt hầu bao, buộc người châu Âu phải tằn tiện hơn trong những thú vui bình thường của cuộc sống.
Đó là lý do khiến cho các nhà sản xuất rượu châu Âu méo mặt. Họ đang tìm kiếm những thị trường mới như Trung Quốc, quốc gia 1,3 tỷ dân, để cứu vớt nguồn doanh thu èo ọt.
Richard Halstead, đồng sáng lập của Wine Intelligence, một tổ chức tư vấn thương hiệu rượu cho biết, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng đối với các nhà sản xuất.
Và thực tế là đang có một “cơn khát” những thương hiệu chất lượng của châu Âu tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Đối với các hãng sản xuất rượu của Hi Lạp thì Trung Quốc là một tia hi vọng. Hi Lạp đang phải vật lộn với những chương trình thắt lưng buộc bụng vô cùng hà khắc của chính phủ, doanh nghiệp thì bị tê liệt do không đủ khả năng cạnh tranh.
Tuy vậy, có nhiều tin tưởng rằng hoạt động xuất khẩu rượu của nước này sẽ sáng sủa hơn.
Đang có một “cơn khát” những thương hiệu chất lượng của châu Âu tại Trung Quốc.
Sản phẩm rượu của Hi Lạp ngày càng chứng tỏ được vị thế của mình. Các nhà xuất khẩu rượu nước này đang nỗ lực để chinh phục thị trường Trung Quốc, phát triển thị trường Mỹ và xuất khẩu sang Úc.
Theo tổ chức thống kê Eurostat của liên minh châu Âu, xuất khẩu rượu của châu Âu sang các nước ngoài khu vực đã tăng 12,7% vào năm ngoái. Trong khi đó, mức tăng tại thị trường Trung Quốc là lớn nhất (49%), Hong Kong là 28%.
Halstead cho biết, cuộc khủng hoảng châu Âu thậm chí có thể giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đối với các nhà sản xuất rượu nếu họ biết tìm kiếm những thị trường mới.
Ông nói: "Nếu đồng Euro suy yếu mạnh và niềm tin tiêu dùng nội địa không còn lại nhiều thì các nhà sản xuất rượu vẫn có thể nhận thấy những triển vọng tích cực bởi khả năng cạnh tranh tốt hơn tại các thị trường khác như Mỹ và châu Á."