Chân dung ông chủ hãng hàng không vừa bị “khai tử”

Pha Lê |

Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) chính là ông chủ của Air Mekong.

Mấy ngày qua, thông tin về Công ty cổ phần hàng không Mê Kông – Air Mekong, một hãng hàng không tư nhân Việt Nam được biết đến với biểu tượng sếu đầu đỏ bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh, đã nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Theo đó, hãng hàng không này chính thức bị “khai tử” kể từ ngày 6/1/2015.

Điều này đã hoàn toàn trái ngược lại với lời hứa trước đó của ông chủ Air Mekong rằng: Sếu đầu đỏ sẽ trở lại vào quý 3 của năm 2014.

Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) chính là ông chủ của Air Mekong.

Ông Đoàn Quốc Việt là một doanh nhân từng thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và thương mại dịch vụ tại Ba Lan.

Ông Đoàn Quốc Việt

Sau khi bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh tại Học tại viện Hàng không và Cơ học ứng dụng Đại học Bách khoa Warsaw, ông Việt khởi nghiệp bằng việc kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn tại Ba Lan.

Năm 1994, ông quay trở về Việt Nam để sinh sống và kinh doanh. Hạ Long là nơi ông Việt đặt đại bản doanh và có nhiều dự án lớn tại nơi đây.

Sau một thời gian phát triển, hệ thống BIM có BIM Seafood, Zpizza, Halong Plaza Hotel, Halong Marine Plaza, Halong Marina, Syrena Tower, Muối Ninh Thuận…

Nhận thấy nhu cầu và những mảng thị trường còn trống, ông chủ BIM đã đưa ra một quyết định đầu tư mạo hiểm: mở hãng hàng không.

Tháng 10/2010, Air Mekong là hãng hàng không tư nhân thứ 2 thực hiện khai thác sau Indochina Airlines.

Air Mekong khai thác 4 chiếc Bombardier CRJ900, loại máy bay thương mại 90 chỗ do Canada sản xuất, từng sang Việt Nam bay biểu diễn tại Hà Nội và T.p Hồ Chí Minh hồi tháng 9/2007.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của hãng hàng không này đã không đem lại hiệu quả như mong muốn của ông Việt cũng như BIM.

Sau một thời gian dài bay và lỗ quá lớn, Air Mekong đã phải dừng bay từ tháng 3/2013 để thực hiện “tái cấu trúc”, trong đó có việc thay đổi loại máy bay.

Theo ông Việt, quyết định ngừng bay đã đến sau một đêm thức trắng.

"Khi ông thông báo cho các thành viên trong gia đình lúc ăn sáng, mọi người khá bất ngờ nhưng ông quyết định vì càng bay càng thấy lỗ"- bài viết của Forbes Việt Nam mô tả.

Bài viết cũng cho hay, ông Việt không công bố mức lỗ của Air Mekong cũng như các khoản nợ mà BIM phải gánh cho hãng hàng không này nhưng nói rằng kinh doanh Air Mekong giống như "đốt tiền".

Sau hơn một tháng ngừng bay với lý do là tái cơ cấu đội tàu bay, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay - AOC – một trong hai chứng chỉ quan trọng nhất để một hãng hàng không dân dụng có thể hoạt động hết hiệu lực.

Đến thời điểm tháng 4/2014, Air Mekong không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định.

Trước nguy cơ bị tước giấy phép, vào cuối tháng 3/2014, Air Mekong liên tiếp có 2 văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kế hoạch khai thác trở lại và tiến trình thực hiện xin cấp lại AOC.

Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giúp đỡ Air Mekong để không bị hủy bỏ giấy phép KDVCHK trước tháng 1/2015.

Tuy nhiên, dù yêu cầu này được chấp thuận, giấy phép của hãng được giữ đến hết ngày 31/12/2014 nhưng vẫn không thể “cứu vãn” doanh nghiệp.

Ông chủ BIM dù không muốn vẫn phải dứt bỏ “đứa con” mà ông đã mất rất nhiều thời gian để dẫn dắt, định vị thương hiệu cũng như chứa đựng nhiều kỳ vọng của mình.

Và từ đây, biểu tượng sếu đầu đỏ cũng sẽ đi vào dĩ vàng, tiềm thức của rất nhiều người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại