Chân dung doanh nghiệp Việt kín tiếng đưa thực phẩm giá trị cao thâm nhập Walmart

Nguyên Bảo |

Một công ty gia đình Việt nhiều năm nay đã tranh giành thị phần với ông lớn C.P trong việc cung cấp thực phẩm chế biến sẵn vào các thị trường Mỹ, Úc, Châu Âu qua các chuỗi siêu thị lớn nhất nhì thế giới như Walmart, Sainsbury’s, Woolworths…

Nội dung nổi bật:

- TrangCorp là một công ty gia đình được lập nên từ năm 2004 với số vốn chỉ vẻn vẹn 20 tỷ đồng, khởi nguồn từ việc cung cấp thực phẩm cho một số cửa tiệm tại Úc

- Sản phẩm của TrangCorp là tôm cuốn khoai tây, hải sản tẩm bột, hải sản xiên, Dimsum…, được bán tại các chuỗi siêu thị lớn nhất nhì thế giới như Walmart, Sainsbury’s, Woolworths

- "Trong khi các tập đoàn nước ngoài mang trí tuệ, tiền bạc nhằm lấn chiếm thị trường nội địa, tại sao chúng ta không chiếm lĩnh thị trường trong nước?"


Không phải là sản phẩm xuất thô, các mặt hàng thực phẩm Việt đang được bán trong các chuỗi siêu thị Walmart (Mỹ), Sainsbury’s (Anh), Woolworths (Australia), Semiwon Food (Hàn Quốc)… là các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn rất đa dạng gồm các loại tôm cuốn khoai tây, hải sản tẩm bột, hải sản xiên, Dimsum…

Đơn vị cung cấp các mặt hàng này là một doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam, một công ty gia đình nhiều năm coi Tập đoàn C.P của Thái Lan là đối thủ trên “mặt trận” thức ăn chế biến sẵn ở các thị trường khó tính nước ngoài.

“Chúng tôi đã “đụng” C.P khi chào hàng một số đối tác. Nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh với C.P ở thị trường nước ngoài”, ông Võ Thiên Chương – Giám đốc Tài chính của CTCP Trang (TrangCorp) – một công ty gia đình được lập nên từ năm 2004 với số vốn vẻn vẹn 20 tỷ đồng, khởi nguồn từ việc cung cấp thực phẩm cho một số cửa tiệm tại Úc.

Cùng với những cổ đông sáng lập là người thân và bạn bè, ông Hồ Văn Trung (còn gọi là Trang Hồ) đã xây dựng nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Hiệp Phước, TPHCM để sản xuất các mặt hàng thực phẩm đông lạnh từ thủy sản, phục vụ các thị trường xuất khẩu khó tính tại Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc.


Ông Hồ Văn Trung - doanh nhân sáng lập TrangCorp. Ảnh: VietQ.

Ông Hồ Văn Trung - doanh nhân sáng lập TrangCorp. Ảnh: VietQ.

Ông Hồ Văn Trung là doanh nhân gốc Việt có tiếng, từng xuất bản cuốn tự truyện Gian truân chỉ là thử thách với lời tựa đi kèm: Từ chăn trâu đến Chủ tịch Tập đoàn.

“Gia đình tôi được cả 3: Tôi mạnh về chế biến thực phẩm, chồng tôi (ông Trang Hồ) mạnh về chế tạo máy, còn con tôi - David Ho (Chủ tịch HĐQT TrangCorp) giỏi về Marketing.

Ngày xưa, chồng tôi vừa làm máy vừa làm Marketing. Khi còn trẻ, chúng tôi làm đủ mọi thứ”, bà Nguyễn Minh Nguyệt – Tổng Giám đốc TrangCorp – tâm sự.

Chiếm lĩnh thị trường nội địa = Dòng bánh sang + Thuê người của Kinh Đô + Dùng kênh HORECA

TrangCorp hiện có 2 công ty con là Công ty Thực phẩm Dary (nắm giữ 65% vốn điều lệ) và Công ty Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thực phẩm Dasumy (nắm giữ 75% vốn điều lệ).

Trong đó, Dary chuyên về kho lạnh dự trữ và sơ chế - chế biến thủy hải sản, còn Dasumy chuyên vào sản xuất bánh cung cấp cho thị trường nội địa.

“Trong khi các tập đoàn nước ngoài mang trí tuệ, tiền bạc nhằm lấn chiếm thị trường nội địa, tại sao chúng ta không chiếm lĩnh thị trường trong nước? Tôi mãi khắc khoải và rất mong ngày nào đó giải quyết được nỗi trăn trở này”, bà Nguyệt trải lòng.

“Đó là lý do vì sao năm 2015, mặc dù bận rộn với việc sản xuất để xuất khẩu 100%, tôi vẫn quyết tâm tìm tòi cách thức làm sao đưa sản phẩm vào thị trường nội địa”.

Sau một thời gian nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bánh mẫu, TrangCorp đã thử nghiệm sản phẩm và đưa vào các quán café nhỏ lẻ tại các huyện, các tỉnh, để tìm ra sản phẩm nào phù hợp với thị trường nội địa.

Bà Nguyệt cho biết, TrangCorp đã tìm ra một kênh phân phối còn trống so với các kênh phân phối vốn đang rất khốc liệt trong thị trường hiện tại – kênh HORECA (viết tắt của từ Hotel, Restaurant, Catering) - kênh phân phối qua các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, quán café cao cấp...

“Với kế hoạch phát triển thị trường nội địa, chúng tôi đã đi 3/4 về kế hoạch. Đội ngũ thị trường chuyên nghiệp được mướn từ Kinh đô (công ty bánh kẹo của CTCP Kinh đô giờ đã bán phần lớn cho tập đoàn nước ngoài Mondelèz International– PV) và một số công ty khác - những người có nhiều kinh nghiệm trong mảng bakery về hỗ trợ, nghiên cứu”, bà Nguyệt nói.

Về dòng sản phẩm, bên cạnh các mặt hàng thủy hải sản chế biến phục vụ xuất khẩu, TrangCorp sẽ phát triển dòng bánh sang để tung ra thị trường.

Dòng bánh này trong ngành được xếp vào dòng bánh tươi, nhưng sẽ không đi theo đúng dòng bánh tươi – vốn khó thành công khi có quá nhiều người đi trước, mà chuyển sang dòng đông lạnh với các dòng sản phẩm có thể hấp, chiên, nướng...

“Các dòng bánh này ăn vào thời gian nào cũng được, và ai ăn cũng được, từ trẻ em, học sinh, người lớn tuổi, thanh niên bận rộn với công việc.

Ăn tại nhà sẽ ngon như ngoài quán café hay khách sạn… Chúng tôi sẽ đi vào các kênh phân phối sâu, xa để các loại bánh này nhà nhà dùng được, nơi nơi dùng được”, bà Nguyệt bày tỏ.

Theo kế hoạch, tháng 9 năm nay, Dasumy sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy. Năm 2016, sẽ đưa sản phẩm vào các kênh phân phối khắp cả nước. Sau khi lấp đầy kênh phân phối vào năm thứ 2, Dasumy sẽ chiếm lĩnh thị trường vào năm thứ 3.

Theo tính toán, chỉ riêng TPHCM có 1.700 điểm quán café, và 200 điểm trường học. Chỉ tính khiêm tốn mỗi điểm có doanh thu 80.000 đồng/ngày, thì sau một thời gian ngắn, doanh nghiệp sẽ từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Lấy tình yêu làm giá trị cốt lõi

“Tài chính đương nhiên là vấn đề quan trọng. Nếu bỏ qua vấn đề tài chính, điều đáng quan tâm sẽ là công ty sản xuất gì và các dịch vụ của công ty đó.

Tuy nhiên, sản phẩm thì rất dễ bị làm nhái và bắt chước, nên nếu tìm một công ty để đầu tư, điều tôi quan tâm là con người và văn hóa của tổ chức – các yếu tố tiềm năng cho sự phát triển của công ty”, ông David Ho – Chủ tịch HĐQT TrangCorp – cho biết.


Một số sản phẩm thủy hải sản chế biến của công ty.

Một số sản phẩm thủy hải sản chế biến của công ty.

Văn hóa của TrangCorp dựa trên 5 trụ cột, trong đó, trụ cột đầu tiên là TÌNH YÊU.

“Chúng tôi yêu sản phẩm, dịch vụ, yêu công ty, yêu khách hàng và yêu cả những con người của chúng tôi. Chính vì có tình yêu như vậy nên chúng tôi làm việc có hệ thống, xây dựng một hệ thống thống nhất cùng điều hành doanh nghiệp”, ông David nói.

“Bằng cách đó, chúng tôi phát triển được đội ngũ nhân sự, qua đó phát triển được kinh doanh. Và cũng từ tình yêu đó mà sản xuất ra được những sản phẩm có chất lượng cao nhất”.

“Tầm nhìn của TrangCorp là trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về chế biến thực phẩm và trong 10 năm nữa, sẽ nằm trong Top những công ty hàng đầu thế giới”.

Mang nhiều yếu tố thành công của một doanh nghiệp thực phẩm như công nghệ, con người, chất lượng sản phẩm, nguồn cung…, nhưng TrangCorp lại vướng ở nguồn vốn.

Đây là lý do TrangCorp quyết định chấp nhận chuyển từ mô hình công ty gia đình sang mô hình công ty đại chúng.

Theo kế hoạch, TrangCorp sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 11, sẽ chuyển sang sàn chứng khoán TPHCM (HSX) vào năm tiếp theo, lọt vào rổ VN30 vào năm kế tiếp và dự kiến đến năm 2019, công ty sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài, có thể tại sàn chứng khoán Singapore, hoặc sàn chứng khoán London hay New York (những thị trường có tỷ trọng xuất khẩu lớn của TrangCorp).

Báo cáo tài chính các năm 2013 - 2014 cho thấy, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Công ty lần lượt 2.163 tấn và 2.679 tấn, doanh thu 331 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.

Tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng tiêu thụ của công ty đạt 1.800 tấn, doanh thu 330 tỷ đồng. Doanh thu cả năm 2015 dự kiến đạt 518 tỷ đồng, lợi nhuận 55,5 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại