CTCP Tài nguyên Masan (mã MSR - Upcom), tiền thân là một công ty con của tập đoàn Masan, được thành lập ngày 27/04/2010, hoạt động chủ yếu nhằm khai thác khoáng sản và tài nguyên.
Hiện tại công ty mới chỉ có một dự án duy nhất là dự án Vonfram Núi Pháo ở Thái Nguyên - một mỏ khoáng sản của kim loại quý với trữ lượng 33% của tổng trữ lượng các mỏ thế giới không tính Trung Quốc.
Về mỏ Núi Pháo, dự án được phát hiện vào năm 1990, thăm dò năm 2000, và cấp giấy phép khai thác năm 2005.
Dự án lúc đó thuộc quyền quản lý của Tiberon với 70% cơ cấu sở hữu, 30% còn lại thuộc quyền của nhà đầu tư trong nước.
Năm 2006 Tiberon được Dragon Capital mua lại. Quỹ này khi đó đã kỳ vọng có thể đi vào khai thác khoáng sản từ năm 2009.
Tuy nhiên đến 2010 thì tất cả dự vẫn chỉ nằm trên giấy. Khi dự án đang bế tắc thì MSN xuất hiện và muốn mua lại mỏ Núi Pháo này.
Năm 2013 khoản giao dịch chuyển nhượng chính thức được hoàn tất, MSR trở thành pháp danh sở hữu 100% mỏ Núi Pháo.
Ngày 17/09/2015, cổ phiếu MSR của công ty chính thức niêm yết trên sàn Upcom. Quá trình tăng vốn của công ty đã trải qua nhiều lần với quy mô hiện lên tới hơn 7.194 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 6/8/2015, phần lớn sở hữu của công ty thuộc về công ty mẹ MSR tiếp theo đến MRC ltd và phần còn loại thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ.
Hiện tại, doanh thu của công ty đến từ 4 loại khoáng sản bao gồm vonfram, bismut, florit và đồng. Cả 4 khoáng sản đều là sản phẩm của một loại quặng duy nhất ở Núi Pháo theo quy trình tuyển nổi.
Trung bình trong lượng quặng khai thác được từ Núi Pháo sẽ chứa 0,15% khối lượng là Vonfram, 0,05% là Bismut, 0,5% florit, và 0,18% là đồng.
Tỉ lệ kim loại trong quặng sẽ cải thiện trong vòng 2 năm tới khi công ty đang có dự án đầu tư cải tiến dây chuyền và quy trình khai thác.
Nửa đầu năm nay, sản lượng Vonfram khai thác và bán được là 2.410 tấn tăng so với nửa đầu năm ngoái nhưng doanh thu từ mảng này lại giảm so với cùng kì.
Điều này khiến tỷ trọng doanh thu Vonfram của công ty giảm mạnh từ 70% năm 2014 còn 41,8% nửa đầu năm 2015.
Hoạt động khai thác khoáng sản của công ty sẽ tăng sản lượng vào năm nay khi tổng thời gian khai thác là 12 tháng nhiều hơn so với năm ngoái chỉ có 10 tháng.
Đầu ra của MSR được ổn định để có thể khai thác 100% năng suất. MSR đã kí hợp đồng bao tiêu từ 7 đến 10 năm với HC Starck, 5N Plus Inc, CMC Cometal về các mặt hàng bismut, florit và vonfram.
Các hợp đồng bao tiêu này có sản lượng bao tiêu gấp từ 2 đến 2,5 lần năng suất của MSR trong khi giá bán được thay đổi theo tình hình thị trường.
Về chi phí sản xuất, với ưu điểm là hệ thống mỏ lộ thiên, công ty sẽ chịu chi phí khái thác thấp hơn 10 lần so với những mỏ trong lòng đất.
Trong khi đó, trong tương lai chi phí nguyên vật liệu sẽ không có sự thay đổi do công ty đã ký hợp đồng mua nguyên vật liệu với nhà cung cấp ở mức giá cố định trong vòng 3 đến 4 năm tới để giảm thiểu rủi ro biến động giá.
Rủi ro khi trữ lượng mỏ không đạt như kì vọng
Mặc dù có lợi thế là sở hữu mỏ khoáng sản của kim loại quý với trữ lượng cực lớn, đồng thời, có công ty mẹ với thế mạnh tài chính, MSR cũng có khá nhiều rủi ro.
Hiện nay, các tổ chức uy tín mới chỉ có thể khẳng định được 1/3 trong tổng số 4.600 triệu tấn Vonfram là có thật. Việc này tạo ra rủi ro dài hạn cho MSR khi đã đầu tư vốn lớn vào trang thiết bị khai thác.
Trữ lượng dự tính của mỏ Vonfram Núi Pháo chiếm 33% tổng trữ lượng Vonfram ngoài Trung Quốc. Nhưng nếu xét về đóng góp quy mô toàn thế giới, thì mỏ Núi Pháo chỉ đóng góp 9% vào lượng cung.
Hiện tại công ty đang vận hành khoảng 90% công suất, sản xuất ra 3,5 triệu tấn Vonfram một năm.
MSR đã có kế hoạch cụ thể trong việc khai thác hết 66 triệu tấn quặng này trong vòng 20 năm vì vậy sản lượng của công ty trong tương lại được dự đoán sẽ không có đột biến nếu thị trường Vonfram vẫn tiếp tục ảm đạm như hiện tại.