CEO Hòa Bình: 'Tôi làm giàu để cống hiến nhiều hơn'

havan |

Lê Viết Hải quan niệm giàu có chỉ là phương tiện để làm nhiều việc tốt và cống hiến cho cộng đồng.

Tay trắng lập nghiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, Lê Viết Hải quan niệm giàu có chỉ là phương tiện để làm nhiều việc tốt và cống hiến cho cộng đồng.

- Hồi tháng 11 năm ngoái, ông gửi bức tâm thư đến cổ đông khuyên họ đừng bán cổ phiếu Hòa Bình (HBC) khiến giới kinh doanh xôn xao. Vì sao ông chọn cách này?

- Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp đầu tiên niêm yết tại TP HCM và có kinh nghiệm ứng phó với tình huống khó khăn. HBC đứng giá 31.000 - 32.000 đồng một cổ phiếu trong thời gian dài, sau đó giảm xuống mức 18.700 đồng, nhiều cán bộ công nhân viên hỏi tôi lý do. Họ lo ngại doanh nghiệp gặp phải biến cố bất thường. Công ty có 2.400 nhân viên trực tiếp, 1.200 nhân viên làm việc gián tiếp, 4.000 lao động thời vụ, trong đó xấp xỉ 1.000 công nhân viên có cổ phiếu Hòa Bình.

Với số cổ đông nhiều như vậy, tổ chức một cuộc họp khẩn không hiệu quả. Hiểu rõ tình hình và giá trị công ty, tôi suy xét rất kỹ và chọn cách viết bức tâm thư gửi cán bộ công nhân viên. Trong thư tôi kêu gọi cán bộ công nhân viên dùng tiền nhàn rỗi mua cổ phiếu HBC, hạn chế đà giảm giá đồng thời hạn chế việc thâu tóm cổ phiếu Hòa Bình từ bên ngoài.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Địa ốc Hòa Bình, Lê Viết Hải. Ảnh: H.T

- Những khó khăn của thị trường địa ốc đã tác động tới công ty Hòa Bình như thế nào trong năm 2011?

- Quả thật năm 2011 có quá nhiều gian truân. Thị trường bất động sản đóng băng, các dự án nhà ở không bán được cộng thêm thắt chặt tín dụng nên nhiều chủ đầu tư không thể thanh toán tiền xây dựng cho nhà thầu đúng hạn. Đây là thử thách lớn nhất trong năm đối với chúng tôi.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán lao dốc khiến cho kế hoạch huy động vốn từ kênh này không còn hiệu quả. Khách hàng vẫn tìm đến với Hòa Bình rất nhiều, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp vẫn rất lớn nhưng rủi ro trong giai đoạn này không phải là ít.

- Còn năm 2012, Địa ốc Hòa Bình có phương án nào để đương đầu với những khó khăn mới của thị trường?

Chúng tôi đã lên phương án sẵn sàng ứng phó như ưu tiên những dự án có nguồn vốn ít hoặc thuộc các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, công nghiệp, hạ tầng hơn là chung cư và văn phòng. Bên cạnh đó, Địa ốc Hòa Bình đề nghị chủ đầu tư chấp thuận những điều kiện thanh toán an toàn cho nhà thầu. Theo đó, chủ đầu tư phải tạm ứng tối thiểu 15%, thời hạn thanh toán rút ngắn lại không quá một tháng, khách hàng khất nợ nhà thầu được phép chậm tiến độ hoặc ngưng thi công...

Ngoài ra, Hòa Bình dự kiến chọn thời điểm thích hợp trong năm 2012 để mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên việc này cần phải xin ý kiến và được sự chấp thuận của cổ đông thì mới có thể tiến hành.

- Gia đình có ảnh hưởng như thế nào đối với sự nghiệp của ông?

- Tôi xuất thân trong gia đình đông anh em, có lúc gia cảnh vô cùng khốn khó. Bố tôi có hơn 16 năm làm hiệu trưởng trường Bồ Đề ở Huế. Mẹ tôi buôn bán nhỏ và chăm sóc gia đình. Khi cả nhà vào Sài Gòn, ông bà đã phải vất vả gồng gánh để nuôi 11 người con. Bố mẹ tôi đã làm đủ nghề từ mua bán thuốc tây, điện máy, cho đến việc hợp tác mở trường tư thục, sản xuất bánh mứt… để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy phải tiết kiệm, ky cóp từng đồng nhưng ông bà luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tinh thần vượt khó và cống hiến cho cộng đồng của đấng sinh thành đã theo tôi trong suốt thời thơ ấu, truyền nghị lực cho tôi đến tận bây giờ.

Bài học kinh doanh và làm người của bố mẹ đã khiến tôi nỗ lực vươn lên, cẩn trọng, chín chắn trong các quyết định liên quan đến lợi ích của mọi người xung quanh. Ảnh hưởng từ văn hóa gia đình, tôi không sợ khổ, không ngại khó. Cho đến khi có sự nghiệp ổn định, tôi luôn quan niệm giàu có, nhiều tiền chỉ là phương tiện để làm được nhiều điều tốt đẹp hơn, cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời.

Theo Vũ Lê

Vnexpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại