Cạnh tranh không lành mạnh trong phân phối bán lẻ ở Việt Nam

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Các nhà phân phối - bán lẻ nước ngoài ồ ạt mở rộng phạm vi hoạt động sau khi Việt Nam ra nhập WTO đã khiến các doanh nghiệp trong nước trở tay không kịp.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển Quang Minh được công bố trong Hội thảo “Xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp phân phối - bán lẻ (PP-BL) và chính sách pháp luật phát triển thị trường PP-BL Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” diễn ra tại Hà Nội ngày 12/12, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện các cam kết mở rộng thị trường đã tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh là các nhà PP-BL nước ngoài ồ ạt mở rộng phạm vi hoạt động khiến các doanh nghiệp trong nước trở tay không kịp.

Bà Lê Thị Phương Hiền, Chuyên viên tư vấn Công ty CP đầu tư và phát triển Quang Minh đã chỉ ra một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường phân phối, bán lẻ ở Việt Nam như: doanh nghiệp bán một hoặc một số hàng hóa dưới giá thành để thu hút sự chú ý của khách hàng (chiếm 62,5%), lôi kéo và tuyển dụng nhân lực chủ chốt của đối thủ (chiếm 37,5%), bắt tay với nhà sản xuất/phân phối để chèn ép đối thủ (chiếm 25%), khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh (chiếm 25%)…

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Trong khi đó, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước còn ở dạng sơ khai nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn như phải trả chỉ phí thuê mặt bằng quá cao, nguồn nhân lực chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có đội ngũ nhân sự cao cấp phục vụ cho doanh nghiệp bán lẻ hiện đại, bán lẻ truyền thống mới chỉ bó hẹp trong hộ gia đình, không có tính chuyên nghiệp…

“Doanh nghiệp bán lẻ truyền thống còn nhận thức đơn giản về cạnh tranh, chủ yếu là cạnh tranh lẫn nhau. Còn các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại hệ thống phân phối chưa phát triển mạnh mẽ, số cửa hàng tiện lợi cả nước mới chỉ dừng ở con số 400 – 500”, bà Hiền nói.

Cũng nhấn mạnh đến vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại Thế giới (WTO) ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam đã phát triển được các loại hình bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi…, phần nào thay đổi được diện mạo các loại hình bán lẻ truyền thống.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang kìm hãm sự phát triển của ngành hiện nay chính là sự xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhận định về thực trạng này, ông Lê Văn Hà, Giám đốc công ty CP Tư vấn Đầu tư và phát triển Quang Minh lại bày tỏ một thực tế, với sự phát triển chậm chạp của ngành PP-BL của Việt Nam hiện nay thì nguy cơ thị phần có thể rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài là rất cao.

"Chúng ta cần có biện pháp bảo hộ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước phù hợp với cam kết WTO đồng thời xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bộ Công Thương cần có cơ chế giám sát ngăn chăn hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, bán hàng dưới giá thành, quảng cáo sai sự thật…", ông Hà nêu kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại