Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức) khẳng định: Trong danh mục hàng hóa về chợ không có dâu tây Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại thị trường TP.HCM vẫn có nhiều điểm bán dâu tây trên các tuyến đường Trần Huy Liệu, Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), Nguyễn Thông (quận 3) và một số chợ lẻ, người bán giới thiệu là dâu tây Đà Lạt, có nơi bán giá 130.000 - 170.000đ/kg nhưng cũng có nơi bán chỉ 50.000 - 60.000đ/kg.
Trên nhiều trang mạng cũng rao bán dâu tây Đà Lạt, dâu Pháp, Nhật, Úc, New Zealand… “cam kết” giá rẻ hơn giá thị trường.
Chị Trâm - bán dâu tây Đà Lạt tại số 199 Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) có nhà vườn tại Đà Lạt chuyên trồng dâu tây và phân phối hàng cho một số điểm bán ở TP.HCM, cho biết: Thời điểm này đang trái mùa, dâu tây Đà Lạt không thể có giá đó.
Tại điểm bán của chị, mỗi ngày cũng chỉ có khoảng 10 - 20kg dâu tây bán theo từng loại 1, 2, 3 với giá lần lượt là 170.000 đồng, 150.000 đồng, 130.000 đồng. Dâu tây Đà Lạt có giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg khi vào mùa (trừ các tháng 8, 9, 10).
Dâu tây giá rẻ bày bán trên nhiều tuyến đường
Giới chuyên doanh dâu tây Đà Lạt khẳng định, ở thời điểm này, dâu tây có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg chắc chắn là dâu Trung Quốc.
Không chỉ riêng chợ đầu mối phân phối trái cây cho thành phố, có nhiều công ty nhập trái cây ngoại về không qua chợ mà phân phối trực tiếp đến các điểm kinh doanh nên dâu tây Trung Quốc có thể ra thị trường từ nguồn này.
Tại các siêu thị, ngoài dâu tây Đà Lạt (giá 100.000 - 200.000 đồng/kg) còn có bán dâu tây Mỹ, New Zealand giá 250.000 - 300.000đ/kg, không bán dâu tây Trung Quốc.
Theo chị Trâm, dâu tây Đà Lạt có hai loại là dâu hương (còn gọi là dâu Pháp) ruột mềm, vị ngọt, vỏ màu hồng nhạt và dâu đá trái cứng, vị chua, vỏ màu đỏ.
Dâu Đà Lạt có trái to, trái nhỏ, vỏ sần sùi, trong khi dâu tây Trung Quốc trái to đều nhau, vỏ mướt; màu đỏ tươi; cuống, lá to; ruột bở xốp chứ không mềm giòn, mọng nước như dâu tây Đà Lạt.
Norovirus là một nhóm siêu vi khuẩn gây ra chứng viêm dạ dày ruột cấp tính, nếu đã bám trên quả dâu tây thì sẽ không rửa sạch được. BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam (Văn phòng phía Nam), cho biết: “Về mặt y khoa, rửa chỉ để làm sạch bụi bẩn bám trên trái cây chứ không diệt khuẩn được. Tuyệt đối không được dùng thuốc tím để sát khuẩn rau, quả vì thuốc tím không được rửa sạch, còn tồn dư trên rau, quả sẽ gây ung thư”.
Trước đó, tại Đức, sau khi ăn dâu tây nhập từ Trung Quốc, hơn 11.000 học sinh đã bị nhiễm độc với các dấu hiệu như tiêu chảy cấp, nôn mửa. Công ty nhập khẩu loại dâu tây này sau đó phải xin lỗi và cam kết bồi thường cho các nạn nhân.