Trò lừa mua hàng trả góp
Trong quán cà phê tại làng đại học Thủ Đức, TPHCM, Mạnh (sinh viên năm 3 trường đại học Bách Khoa) loan tin với bạn bè là mình chỉ cần một chứng minh thư và bằng lái xe máy, sau 10 phút đã có thể vay được 5 triệu đồng mà 12 tháng mới phải trả hết.
Số là Mạnh làm mất máy tính của bạn, cần tiền mua máy tính trả cho bạn mà không dám xin tiền nhà. Cậu lên mạng tìm kiếm chỗ cho vay lãi và “may mắn” gặp được công ty cho vay không tín chấp. Cậu sinh viên gọi điện thoại vay 10 triệu nhưng cuối cùng được hướng dẫn đi mua chiếc điện thọai trả góp, Cty sẽ mua lại với 80% số tiền trên sản phẩm.
Vậy là cậu mang trong người khoản nợ 10 triệu đồng nhưng cuối cùng chỉ lấy được 5 triệu đồng tiền mặt (vì phải trả trước cho chỗ mua máy 3 triệu đồng. Còn công ty kia, trong 10 phút đã lãi 2 triệu đồng từ việc mua lại chiếc điện thoại của Mạnh.
Để xác minh thông tin về những Cty này, chúng tôi vào vai là người đang cần tiền vào mạng tìm kiếm cơ hội vay tiền. Chỉ cần gõ từ khóa “Vay không tín chấp”, trên mạng hiện ra một dãy thông tin về những Cty này. Gọi đại số điện thoại 0909021xxx của người tên Trung, sau tiếng đổ chuông ngắn, Trung bắt máy. Nghe tôi trình bày muốn vay 50 triệu vì có việc gấp, anh này nhanh nhẹn hướng dẫn.
Trung giới thiệu mình thuộc Cty Home Credit (PPF-PV): “Anh có hộ khẩu ở thành phố không? Nếu hộ khẩu ở tỉnh chỉ vay được khoảng 20 triệu đồng thôi, còn không có hộ khẩu thì chứng minh thư cùng bằng lái xe anh vay được 10 triệu. Anh ra cửa hàng bán trả góp của Cty nhưng đừng nói tôi hướng dẫn nhé, mua một điện thoại Iphone 4, chúng tôi sẽ tới thu lại với 80% giá trị của sản phẩm và trao tiền cho anh ngay”- Trung nói.
Sau khi lấy địa chỉ từ Trung, tôi tìm đến Cty MuaBaniPhone... trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Trung dặn: “Anh tới đó cầm CMND, bằng lái xe và nói mua Iphone 4, sau khi làm thủ tục xong anh gọi em tới mang tiền cho anh trả trước 3 triệu đồng. Khi thu máy, em đưa cho anh 5 triệu nữa là 8 triệu đồng”.
Gọi cho một số điện thoại khác, đầu dây bên kia giới thiệu tên là Thắng, đang làm việc tại một Cty bảo hiểm. Thắng hướng dẫn chúng tôi tới cửa hàng bán đồ trả góp trên đường Hoàng Văn Thụ, khi xong thủ tục, Thắng sẽ tới đưa tiền và thu lại sản phẩm. Gọi vào số điện thoại của nhiều trang quảng cáo là cho vay không tín chấp khác, chúng tôi đều được hướng dẫn y như Trung và Thắng.
Cầm tiền mới biết bị lừa
Tới cửa hàng trên đường Trần Quang Khải như Trung hướng dẫn, chúng tôi được nhân viên Trương Thị Ngọc của Cty Home Credit (Cty tài chính liên kết với của hàng bán Iphone-PV) cho biết: “Công ty không hề có chương trình cho vay như Trung giới thiệu. Khách hàng mua sản phẩm trả góp phải trả hết tiền cho công ty mới được bán sản phẩm mình mua. Sản phẩm mua vẫn phải trả lãi hằng tháng theo lãi ngân hàng đưa ra”.
Luật sư Lã Hữu Vinh, Hội Luật gia TPHCM cho biết: “Hành vi trên có dấu hiệu lừa đảo vì lặp đi lặp lại nhiều lần dù số tiền lừa được không lớn”. Tuy nhiên, luật sư Vinh cũng cho biết thêm, do số tiền lừa đảo ít, trước khi hướng dẫn vay vốn nhóm người trên đều thoả thuận trước là họ mua lại máy với 80% trị giá, người bị lừa cũng không tố cáo, nên cơ quan pháp luật khó xử lý.
“Có nhiều khách hàng sau khi tới trả tiền lời cho cửa hàng mới tá hỏa khi biết mình bị lừa. Những đối tượng trên thường lấy thông tin bán hàng trả góp của cửa hàng đăng lên mạng. Nếu khách hàng gọi tới, họ sẽ hướng dẫn đến cửa hàng mua sản phẩm và tới mua lại. Với hình thức như vậy, nếu khách hàng mua sản phẩm 10 triệu đồng chúng sẽ có 2 triệu, nếu sản phẩm giá 20 triệu đồng chúng có 4 triệu đồng chỉ trong 10 phút. Trong khi đó, khoản nợ còn lại khách hàng vẫn chịu lãi hằng tháng”- một nhân viên cửa hàng nói.
Còn tại cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ, chúng tôi nhắn tin cho Thắng: “Hợp đồng mua trả góp đã xong, cậu tới đưa tiền đi”.Đến nơi, Thắng hỏi hợp đồng đâu. Chúng tôi nói hợp đồng không có, Thắng liền buông câu chửi tục rồi lên xe phóng mất.
Chị Phạm Thị Thúy Hạnh (39 tuổi, công nhân tại KCN Tân Bình) cho biết, từng là nạn nhân của trò cho vay không tín chấp. “Cần tiền chữa bệnh cho con gấp mà không biết vay ai, lên mạng tìm thông tin vay nóng, tôi được một người tên Hải hướng dẫn mang sổ hộ khẩu đi mua sản phẩm trả góp rồi anh ta đến đưa tiền cho. Cứ nghĩ sau này mình sẽ trả tiền vay cho Hải, ai ngờ tới ngày Cty gọi điện hối tới đóng tiền mới té ngửa mình bị lừa mất 4 triệu đồng ngay trước mắt mà nợ vẫn phải gánh” - chị Hạnh nói.
Gọi điện thoại tới Cty PPF, nhân viên tổng đài tên Thắm khẳng định Cty không hề có chương trình thu mua máy như trên. “Có rất nhiều người bị lừa và đều gọi điện về cho Cty như anh. Đó là một nhóm người của một Cty “ma” nào đó dựa vào mác của Cty với mục đích lừa đảo người đang cần tiền gấp mà thôi”- chị Thắm nói.