Dữ kiện này, cộng với tốc độ tăng GDP (4,38%) khá thấp trong 6 tháng đầu năm, những khó khăn của sản xuất và tiêu thụ hàng hóa… đã gây nên những lo ngại về việc nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ giảm phát.
Với điều kiện cụ thể của Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc CPI "rơi" từ mức trung bình trên 1,4% một tháng của năm 2011 xuống khoảng 0,3% trong 7 tháng đầu năm nay, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn là một diễn biến đáng chú ý.
Tuy nhiên, để xem xét khả năng giảm phát, cần theo dõi trong một khoảng thời gian dài hơi hơn, kết hợp với nhiều yếu tố khác.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) thì mặc dù CPI giảm nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng so với trước đó (Quý I: 4%, Quý II: 4,66%, vẫn cao hơn so với "đáy" của Quý I/2009 là 3,14%), doanh thu dịch vụ bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tăng (tháng 7 tăng cao hơn tháng 6), tồn kho giảm dần...
"Như vậy, nhận định giảm phát là chưa xác đáng, dù ở bất cứ nền kinh tế nào", Tiến sĩ nhận định.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng với một nước đang phát triển như Việt Nam, khả năng GDP "giậm chân tại chỗ" hoặc tăng âm là rất khó.
Số liệu và dự báo lạm phát của ANZ (trên) và JP Morgan (dưới). Nguồn:ANZ, JP Morgan
Tuy vậy, các chuyên gia cũng thống nhất rằng kết thúc đà tăng âm của CPI là cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Bởi với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng các năm trước đây đều trên 8%, lạm phát cũng trên dưới 10% thì việc hai chỉ số này giảm mạnh như hiện nay sẽ đe dọa sức sản xuất, kinh doanh.
Nguy hiểm hơn, CPI giảm nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn cao so với khả năng chi trả của người dân, khi mà thu nhập của họ giảm sút vì kinh tế khó khăn, thậm chí thất nghiệp.
Tăng trưởng GDP được ANZ dự báo sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm. Nguồn:ANZ