Cần bên thứ ba giám sát việc vòi tiền ở sân bay

Nguyệt Phương |

Chuyện hành khách khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế của Việt Nam phải đối mặt với nạn hạch sách, vòi vĩnh đã không còn xa lạ…

Rất nhiều bạn đọc đã chia sẻ câu chuyện mình hoặc người thân của mình bị vòi vĩnh khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Đủ kiểu vòi tiền

Chị Nguyễn Thị Kim Khánh đã chia sẻ câu chuyện của anh trai mình từ Cannada về thăm gia đình cách đây không lâu. Anh trai của chị cũng mang theo hành lý, trong đó có một laptop định tặng cho gia đình.

Khi đến cửa hải quan, anh đã bị chặn lại và vặn vẹo kiểu “tại sao lại mang về máy mới như vậy”. Sau đó, họ săm soi các hành lý khác và sử dụng các hình thức câu giờ.

Cuối cùng sau khi phải chờ đợi quá lâu và mệt mỏi về một hành trình bay dài nên anh đành chào thua và chịu móc hầu bao để được yên thân.

Bạn đọc khác thì kể trường hợp người thân từ Mỹ về mang theo hai máy tính, một iPad đã qua sử dụng.

Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách bị “bắt đứng chờ, không đưa tiền thì không cho qua hàng cũ đã sử dụng, mang về Việt Nam làm quà”.

Bạn đọc này cho biết nhân viên sân bay tự thò tay vào túi hành khách lấy 30 USD rồi cho ra…

Độc giả khác cho biết khi làm thủ tục đi Tokyo (quá cảnh sang Mỹ), nhân viên phụ trách nói là hàng đã “chạm ngưỡng” trọng lượng, cần bỏ ra ít đồ.

Khi hỏi lại có cách nào giải quyết để không phải bỏ bớt đồ ra không thì người này cười. Sau khi “biếu” 5 USD thì chuyện êm xuôi.

Bạn đọc Kevin Le kết luận: Nói thẳng thì mất lòng nhưng khách Việt kiều thường xuyên bị tình trạng nhũng nhiễu từ tất cả các bộ phận trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Công an xuất nhập cảnh, hải quan, an ninh sân bay ở Tân Sơn Nhất đều có vấn đề về thái độ cư xử và cách nói chuyện với người Việt mang hộ chiếu nước ngoài.

Nên sử dụng bên thứ ba giám sát

Chuyên gia kinh tế, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright Huỳnh Thế Du gợi ý một cách giám sát hiệu quả, đó là hợp tác công - tư, hợp đồng với một công ty tư nhân có bộ phận giám sát việc làm của hải quan, như cách của Indonesia từng làm.

Ông Du cũng cho rằng nên sử dụng camera giám sát hoạt động, nhưng được theo dõi bởi đơn vị độc lập, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chủ tịch chi hội hàng không thuộc Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý HASCON, việc cần làm là công khai hóa bằng các văn bản quy định, hướng dẫn kỹ về quyền và trách nhiệm mà hành khách phải thực hiện khi làm các thủ tục xuất nhập cảnh ở cổng hải quan.

Ông Tống nhấn mạnh phải có những hình thức kỷ luật, xử phạt với những người thi hành nhiệm vụ mà cố tình cung cấp sai thông tin, “lập lờ đánh lận con đen” hòng moi tiền hành khách.

Theo ông, cần công khai và cung cấp những số điện thoại đường dây nóng ở những vị trí thuận lợi cho hành khách quan sát, để khi có những sự cố xảy ra hành khách có thể nhanh chóng gọi điện và kiến nghị giải quyết để hạn chế những việc gây nhũng nhiễu này.

Ở một khía cạnh khác, ông Tống cho rằng mỗi hành khách cũng nên tự tìm hiểu những quy định về việc xuất nhập cảnh nói chung và việc vận chuyển hàng hóa nói riêng để nếu gặp những trường hợp cán bộ hải quan bắt chẹt, vòi vĩnh thì có cơ sở để phản biện và bảo vệ bản thân mình.

Ông Tống thẳng thắn bày tỏ quan điểm về khía cạnh đạo đức của cán bộ công chức.

Phải làm sao để cán bộ nói chung và bộ phận hải quan, cảnh sát nói riêng ý thức được đạo đức nghề nghiệp, không gây ra hiện tượng nhũng nhiễu, tham quyền, hối lộ.

Việc làm đó phải được thực hiện từ cấp dưới đến cấp trên, từ địa phương đến trung ương.

Ông nhấn mạnh, nếu không đặt nặng vấn đề đạo đức trong tuyển lựa con người thì pháp luật cần phải rõ ràng và chặt chẽ. Trong khi hiện nay chúng ta buông lỏng và dễ châm chước những hành vi thiếu đạo đức đang diễn ra.

 

Nạn vòi vĩnh ở sân bay quốc tế

Tình trạng hải quan vòi vĩnh tiền bạc từ hành khách nhập cảnh tại các sân bay quốc tế là chuyện khá phổ biến ở các nước đang phát triển.

Hồi đầu tháng 3, cả ngành hàng không và an ninh Pakistan chấn động khi báo Anh Sunday Mirror tung lên mạng đoạn video quay cảnh một nhân viên hải quan ở sân bay Islamabad đòi một du khách Anh đút lót 1 bảng Anh để không bị kiểm tra hành lý.

Lập tức các chuyên gia an ninh hàng không và Bộ Giao thông Anh lên tiếng yêu cầu chính quyền Pakistan phải mở cuộc điều tra hành vi trắng trợn này.

Trên các trang web du lịch, rất nhiều du khách quốc tế than phiền việc hải quan tại các sân bay ở Ấn Độ, đặc biệt là Mumbai, vòi tiền khi làm thủ tục nhập cảnh nếu mang theo nhiều hàng hóa.

Tại trang web www.ipaidabribe.com, một hành khách kể hồi tháng 1/2013 khi đến sân bay Mumbai cũng bị hải quan vòi tiền vì trong hành lý ký gửi có một chiếc tivi LCD lớn.

Hành khách này cương quyết không đưa tiền hối lộ. Sự cương quyết này khiến các nhân viên hải quan tham nhũng phải nhượng bộ.

Hồi tháng 6/2014, Cục Điều tra trung ương Ấn Độ (CBI) đã bắt giữ một quan chức cao cấp của ngành hải quan tại sân bay Indira Gandhi ở thủ đô New Delhi vì tội nhận tiền hối lộ từ một doanh nhân.

Nhiều du khách cũng than phiền việc hải quan Indonesia ở sân bay Bali hay đòi hành khách phải chi 20 USD để được làm thủ tục nhập cảnh nhanh chóng.

Tệ hơn nữa, nhiều nhân viên hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hộ chiếu luôn soi mói, tìm xem trong hộ chiếu hành khách có bất kỳ vấn đề nhỏ nào để buộc họ phải chi ít nhất 10 USD thì mới được đi qua.

Thời gian qua Ủy ban Quảng bá du lịch Indonesia đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Indonesia phải chấn chỉnh hoạt động của hải quan sân bay Bali để tránh ảnh hưởng đến du lịch.

Các trang web du lịch quốc tế thường tư vấn hành khách luôn giữ hóa đơn các loại hàng hóa mình mang theo để tránh bị nhân viên hải quan vặn vẹo.

Hành khách tuyệt đối không hối lộ nhân viên hải quan vì đưa hối lộ là hành vi bị phạt tù ở nhiều quốc gia.

Họ cũng nên tìm hiểu khu vực mình sẽ bay đến và sẵn sàng gọi đường dây nóng chống tham nhũng địa phương khi cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại