Trong báo cáo Global Wealth Report, Credit Suisse quả quyết rằng, quá trình chuyển đổi của kinh tế Nga đã không thể đem lại lợi ích cho người dân nước này, tạo thành một nền kinh tế với mức độ chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới. Theo đó, 110 tỷ phú Nga hiện nắm giữ tới 35% của cải của toàn nước Nga.
Báo cáo nhận định, tại thời điểm nước Nga chuyển đổi mô hình tăng trưởng, người ta hi vọng rằng Nga sẽ trở thành một nền kinh tế có trình độ cao, và người dân có thu nhập cao với nhiều chương trình an sinh xã hội được thừa hưởng từ Liên minh Xô Viết. Phần lớn phỏng đoán trên đã không thể trở thành hiện thực, khi khu vực công của nước Nga vẫn rất hùng mạnh. Dẫu vậy, bức tranh về chênh lệch giàu nghèo mà Credit Suisse vẽ nên đang mắc phải vấn đề về mặt thống kê.
Theo cơ sở dữ liệu về tài sản trên toàn cầu được Credit Suisse xây dựng, tài sản của người Nga được tính dựa trên bảng cân đối tài chính của các hộ gia đình do Unicredit Bank cung cấp. Unicredit hoạt động khá mạnh ở Nga, và phần lớn số liệu của ngân hàng này đều dựa trên số liệu chính thức từ Ủy ban Thống kê Nga và Ngân hàng Trung ương Nga.
Tuy nhiên, các dữ liệu này chỉ tính đến các tài sản tài chính và nợ. Trong khi đó, những tài sản phi tài chính (đặc biệt là bất động sản) chiếm tỷ trọng lớn trong khối tài sản của hầu hết các hộ gia đình Nga.
Credit Suisse thừa nhận trong báo cáo rằng, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, nước Nga đã phân phát phần lớn quỹ nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, những ngôi nhà này đã được định giá thấp hơn so với thực tế. Theo Global Wealth Databook, số người Mỹ có tối thiểu 100.000 USD là 767.000. Trên thực tế, chỉ tính riêng ở thủ đô Moscow, con số đã lớn hơn.
Năm 2012, mỗi công dân của Moscow (tính cả trẻ em) sở hữu 18,9 m2. Theo hãng phân tích bất động sản độc lập Irn.ru, trung bình mỗi m2 được bán với giá 5.114 USD (mức giá trong tuần này). Tỷ lệ sở hữu nhà của người Nga ở mức rất cao, lên tới 84,7%. Như vậy, trung bình mỗi người trong số 7 triệu người trưởng thành ở Moscow có 140.000 USD.
Hãy xét đến bộ phận giàu nhất. Dữ liệu về tỷ phú của Credit Suisse được lấy từ tạp chí Forbes. Tuy nhiên, phương pháp ước tính tài sản của 110 người giàu nhất nước Nga của Forbes không thực sự chính xác. Rất nhiều công ty lớn của nước này không phải là công ty niêm yết, và các nhà báo của Forbes phải ước tính giá trị của chúng bằng cách lấy giá trị của các công ty nước ngoài tương tự.
Ngoài ra, tính toán nợ của các tỷ phú Nga cũng là một công việc khó khăn. Nghĩa vụ nợ của các tỷ phú Nga không bao giờ rõ ràng, cho dù đó là nợ dưới dạng thỏa thuận tín dụng hay những khoản nợ phải trả cho các quan chức chính phủ đã giúp họ.
Vấn đề chênh lệch giàu nghèo của nước Nga sẽ khá nghiêm trọng nếu tài sản được tính toán theo cách truyền thống hơn (tính bằng thu nhập thay vì tài sản). Theo CIA World Factbook, Nga xếp thứ 52 thế giới nếu xét theo Gini – hệ số thể hiện mức độ chênh lệch trong phân bổ thu nhập của một nước. Mỹ xếp thứ 41, Trung Quốc xếp thứ 29 trong khi Brazil xếp thứ 17.