Tăng trưởng của Việt Nam bị hạ xuống 5,1% (2012) và 5,7% (2013). Tháng 4, tốc độ này được dự báo là 5,7% (2012) và 6,2% (2013). ADB cho rằng rủi ro tăng trưởng chủ yếu bị tác động bởi lĩnh vực tài chính và sẽ còn tăng lên nếu chưa giải quyết dứt điểm nợ xấu.
GDP năm nay của Trung Quốc được dự báo giảm xuống còn 7,7% từ mức 8,5% trước đó. Năm 2013, tăng trưởng của nước này cũng bị giảm từ 8,7% xuống còn 8,1%. ADB cảnh báo rủi ro đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ tăng trong ngắn hạn do nhu cầu quốc tế giảm sút và triển vọng bi quan của các đối tác thương mại. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng Trung Quốc sẽ không hạ cánh cứng do Bắc Kinh đang cân nhắc thêm các biện pháp nới lỏng.
Tăng trưởng của Ấn Độ sẽ giảm còn 5,6% và 6,7% năm 2012 và năm 2013 so với dự báo trước là 7% và 7,5%. Nguyên nhân là lạm phát cao, thâm hụt tài khóa lớn và tiêu dùng yếu.
ADB giữ nguyên triển vọng của khu vực Đông Nam Á là 5,2% do Thái Lan đang phục hồi sau thảm họa lũ lụt năm ngoái, cũng như chi tiêu công tại Malaysia và Philippines tăng lên. Tuy nhiên, rủi ro cho khu vực này vẫn còn khi triển vọng toàn cầu vẫn u ám. Đầu tuần này, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng ghi nhận mức sụt giảm xuất nhập khẩu tháng 8 lớn nhất trong ba năm.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra những dự báo rất bi quan về tình hình kinh tế toàn cầu.Nhà kinh tế trưởng Kaushik Basu của WB cho rằng nợ công châu Âu là vấn đề dài hạn và sẽ đè nặng lên kinh tế thế giới trong nhiều năm nữa. Theo đó, nhu cầu suy giảm ở châu Âu đã ảnh hưởng đến xuất khẩu tại các quốc gia đang phát triển. Biến động thị trường cũng làm hoạt động thương mại co lại, đe dọa đến các quốc gia mới nổi phụ thuộc nhiều vào ngoại thương.
Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ đang phải tăng tiêu dùng trong nước khi thị trường quốc tế yếu đi. Tuy nhiên, Basu cũng cảnh báo nếu làm quá vội vã, các nước này sẽ rất dễ mắc sai lầm. Khu vực Mỹ Latin cũng bị hạ dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 3% từ mức 3,5% và 4% trước đó.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng thế giới phải mất ít nhất 10 năm mới có thể phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008. Nhà kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF nhận xét khoản nợ công khổng lồ của Nhật Bản sẽ phải mất hàng thập kỷ để giải quyết. Trung Quốc đang tăng trưởng ì ạch và có nguy cơ xuất hiện bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nước này sẽ không phải "hạ cánh cứng".
Bên cạnh đó, Blanchard khuyên các nước châu Âu cần đồng lòng hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Các nước vùng lõi eurozone phải chấp nhận tăng lạm phát để giúp Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) duy trì 2% lạm phát cho toàn khối. Ông cũng khuyên các ngân hàng trung ương nên sử dụng hai chính sách tiền tệ thay vì chỉ dùng lãi suất cơ bản như hiện nay.