Hoạt động của ngân hàng thực chất cũng mang dáng dấp như hoạt động của một doanh nghiệp. Mục đích của chúng cũng chỉ nhằm thu được giá trị thặng dư, mang những "món hời" về làm tăng tiềm lực tài chính cho ngân hàng. Thế nhưng, khác với các doanh nghiệp khác, một sự rủi ro mà hoạt động kinh doanh tiền này nếu không cẩn thẫn rất dễ mắc phải đó chính là sẽ dễ bị dính líu đến các hoạt động rửa tiền. Một khi ngân hàng nào vướng vào vòng lao lý này chắc chắn sẽ không trước thì sau cũng sẽ bị "thân bại danh liệt".
Trong hơn 1 tháng gần đây, cả thể giới phải rúng động trước thông tin nhiều ngân hàng nổi tiếng trên thế giới dính vào vòng lao lý bởi hành động "rửa tiền", tiếp tay cho tội phạm.
Chi nhánh Ngân hàng UBS-Thụy Sĩ tại Pháp bị nghi rửa tiền
Ngày 11-7, cảnh sát Pháp đã tiến hành khám xét chi nhánh Ngân hàng UBS-Thụy Sĩ tại Bordeaux vì bị tình nghi rửa tiền và trốn thuế với một khoản tiền lên tới hàng tỷ euro.
Các nhà chức trách Pháp nghi ngờ chi nhánh ngân hàng này đã “phù phép” sổ sách kế toán, che giấu hoạt động luân chuyển nguồn vốn trong các tài khoản của các khách hàng ngân hàng từ Pháp sang Thụy Sĩ để trốn thuế. Trước đó, cảnh sát cũng đã điều tra các chi nhánh khác của UBS ở Lyon và Strasbourg.
Chống lại nạn trốn thuế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mới của Pháp. Hồi tháng 6, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Eyro nhấn mạnh: “Chúng ta cần truy thu thuế để bổ sung vào ngân khố quốc gia và cân bằng ngân sách nhà nước đến năm 2017, làm tăng GDP của cả nền kinh tế, thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực”. Được biết, mỗi năm Pháp thất thu khoảng 40-50 tỷ euro tiền thuế, tương đương 3% GDP của nước này.
HSBC liên tiếp dính bê bối
Hôm 17/7 vừa qua, Ngân hàng HSBC khiến cả thị trường tài chính rúng động khi nhận lỗi trước Quốc hội Mỹ về việc biến chi nhánh tại nước này thành nơi lưu chuyển tiền cho các trùm ma túy Mexico lẫn những thế lực ở Iran và Syria.
Trước những cáo buộc của Thượng viện Mỹ về việc đã tiếp tay cho hoạt động rửa tiền và chuyển tiền trái phép, chủ tịch ngân hàng HSBC tại Mỹ vừa phải lên tiếng xin lỗi.
“Chúng tôi cảm thấy hối tiếc sâu sắc và xin lỗi vì HSBC đã không thể đáp ứng những yêu cầu của cơ quan quản lý, các khách hàng, nhân viên và công chúng nói chung”, Chủ tịch HSBC tại Mỹ Irene Dorner phát biểu trong buổi điều trần trước Tiểu ban điều tra, thuộc Ủy ban an ninh nội địa của Thượng viện Mỹ.
Số liệu thống kê cho thấy HSBC đã thực hiện gần 25.000 giao dịch chuyển tiền USD với Iran thông qua các ngân hàng nước ngoài không phải của Iran.
Ngoài ra Thượng viện Mỹ cũng khẳng định HSBC Mỹ đã “cung cấp dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tiền mặt USD cho một số ngân hàng ở Ả rập xê út và Bangladesh bất chấp việc các ngân hàng này có liên quan đến tài trợ khủng bố".
Chưa dừng lại ở đó, ngân hàng này còn liên tiếp dính bê bối tại các quốc gia Châu Á: Ấn Độ. Theo thông tin đăng tải trên Thời báo kinh tế (ET) Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ đang tiến hành điều tra chi nhánh của HSBC tại nước này dính líu đến việc rửa tiền cho các nhóm tội phạm có tổ chức.
Rúng động nghi án "rửa tiền" 250 tỷ USD của Standard Chartered với Iran
Thông báo trên vừa được Sở dịch vụ tài chính (DFS) bang New York, đơn vị quản lý cao nhất về hoạt động tài chính ngân hàng tại bang này, công bố hôm 6/8.
Theo đó ngân hàng nước Anh bị cáo buộc đã “bí mật phối hợp” với chính phủ Iran và che giấu khoảng 60.000 giao dịch bí mật phi pháp để thu về hàng trăm triệu USD tiền phí trong quãng thời gian gần 10 nă.
Standard Chartered chi nhánh New York có thể bị rút giấy phép “Cùng lúc đó ngân hàng này đã khiến hệ thống ngân hàng Mỹ có thể bị những kẻ khủng bố, buôn bán ma túy và tội phạm tham nhũng lợi dụng”, thông báo của Sở dịch vụ tài chính viết.
Về phần mình ngân hàng Standard Chartered vẫn đang chối bỏ các cáo buộc với tuyên bố: “Chúng tôi không tin rằng những lệnh mà DFS đưa ra cho thấy một bức tranh đầy đủ và chính xác về toàn bộ sự thật”. Đồng thời nhà băng này tuyên bố đã chia sẻ với cơ quan chức năng Mỹ một nghiên cứu cho thấy họ “đã hành động để tuân thủ và luôn luôn thực hiện” các quy định của luật pháp Mỹ.
Dù vậy Standard Chartered cũng thừa nhận có những giao dịch phi pháp với Iran nhưng giá trị chỉ dừng lại ở mức dưới 14 triệu USD, thấp hơn nhiều con số 250 tỷ USD mà DFS đưa ra.
Chỉ một ngày trước thời hạn phải ra điều trần trước chính quyền New York để tự bảo vệ cho quyền được tiếp tục tồn tại của mình, ngân hàng Standard Chartered đã chấp nhận nộp phạt 340 triệu USD (tương đương hơn 7000 tỷ đồng).