Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân đưa ra hai lý do chính:
Thứ nhất, nguồn ngân sách hỗ trợ cho khoa học công nghệ đã ít ỏi, dành cho hỗ trợ cho doanh nghiệp còn ít hơn.
Ông Quân đã chia sẻ: “Viện nghiên cứu của tập đoàn Samsung lớn tới mức không có viện nghiên cứu nào của Việt Nam đông người và được đầu tư lớn như thế.
Một năm họ tiêu hơn 3 tỉ đô la cho hoạt động nghiên cứu của riêng tập đoàn Samsung trong khi chúng ta chi chưa đến 1 tỉ đô la cho cả quốc gia”.
Thứ hai, tư duy của người làm quản lý ở Việt Nam chưa quen với việc đem ngân sách Nhà nước đi hỗ trợ doanh nghiệp tư.
Nhiều người làm công tác tài chính vẫn cứ cho rằng Ngân sách Nhà nước không thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân.
Trong khi đó, luật KHCN năm 2013 đã khẳng định, ngân sách phải có trách nhiệm hỗ trợ về khoa học công nghệ cho mọi thành phần kinh tế, tức là cả doanh nghiệp tư nhân và cổ phần không chỉ với doanh nghiệp Nhà nước.
“Ngân sách chủ yếu là thuế mà thuế thì do tất cả mọi người đóng, kể cả tư nhân, thậm chí doanh nghiệp tư nhân còn đóng nhiều hơn doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp thông qua khoa học công nghệ hoàn toàn được phép và phù hợp cam kết với WTO”, ông chia sẻ.
Theo ông Quân, phải làm cho doanh nghiệp và khoa học trở thành một.
Nhà khoa học phải có tinh thần doanh nghiệp và nghiên cứu những gì doanh nghiệp cần chứ không phải cái gì mình thích hoặc đang có. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải hiểu vai trò của công nghệ..
Hiện tại, cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ hiện nay của Bộ KHCN bao gồm cơ chế đặt hàng, cơ chế quỹ, cơ chế khoán chi.
Trong đó, cơ chế đặt hàng sẽ thích hợp để đề tài nghiên cứu xuất phát từ sản xuất kinh doanh, làm xong không bị bỏ ngăn kéo vì nó sẽ giải quyết được vấn đề thực tiễn.
Riêng cơ chế quỹ để phục vụ cho những ý tưởng xuất chúng về công nghệ, để khi có ý tưởng sẽ có tiền ngay để thực hiện.
Đề tài duyệt lúc nào thì tiền cấp lúc đó. Tuy nhiên, tới tận bây giờ, cơ chế này vẫn không thể thành hiện thực.