Buôn hàng Trung Quốc qua mạng như thế nào?

Người Việt nhận đặt hàng qua Internet từ các chủ shop ở trên khắp mọi miền đất nước. Đây mới là mắt xích quan trọng nhất của con đường buôn bán qua mạng, hàng ngoại nhập vào Việt Nam.

Hiện nay các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Có những sản phẩm thậm chí còn gây tác hại khôn lường như: đồ chơi trẻ em gây ngứa, lở loét, chứa các chất gây ung thư, đồ chơi mang tính chất bạo lực, áo ngực của chị em phụ nữ có độn các túi chất độc hại... Vậy con đường nào đã đưa hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam ồ ạt đến như vậy?

Để góp phần tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã tìm hiểu một cách thức buôn bán kiểu mới. Đó là bán hàng  qua mạng. Trong đó gồm có các công đoạn: hàng hóa được rao bán trên các website  đặt tại Trung Quốc; chủ shop đặt hàng qua mạng; hàng hóa được vận chuyển về Việt Nam, đưa đến các người bán hàng và cuối cùng  từ các cửa hàng đó, sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hai chợ điện tử nổi tiếng của Trung Quốc đó là: www.alibaba.cn và www.taobao.com. Tại đây chúng ta có thể gặp cả các sản phẩm công nghiệp như cao su, nhựa, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, thiết bị, linh kiện điện tử; đặc biệt là hàng gia dụng như xoong nồi, bếp các loại, các sản phẩm thời trang như giày, dép, quần áo, phụ kiện làm đẹp, mỹ phẩm và thậm chí có cả đồ ăn, thuốc, thực phẩm chức năng.

Hàng “fake” (hàng nhái) cũng được rao bán công khai trên các trang web. Dạo qua trang www.taobao.com, đi tìm quần áo của các chị em, chúng tôi thấy họ liệt kê ra cả những nhãn hàng nổi tiếng như D&G, Burberry hay Chanel... Và tất nhiên, ảnh quảng cáo vẫn là ảnh thật, còn sản phẩm thật như thế nào thì phải đến lúc mua hàng về mới biết.

Order là từ hay dùng của giới trong nghề. Nó có nghĩa là đặt hàng. Người Việt nhận đặt hàng qua Internet từ các chủ shop ở trên khắp mọi miền đất nước. Đây mới là mắt xích quan trọng nhất của con đường buôn bán qua mạng, hàng ngoại nhập vào Việt Nam.

Sử dụng cụm từ tìm kiếm "order taobao" trên Google, kết quả trả về là 11.600.000 trang web có liên quan. Các trang web này hầu hết là các tin đăng nhận đặt hàng từ các trang web bán hàng của Trung Quốc và những người đăng tin đến từ khắp mọi miền  nhưng đông đảo nhất vẫn là Hà Nội và TPHCM.

Đội quân chuyên order thường do một người đứng ra thuê, phải biết tiếng Trung, suốt ngày ngồi “dán” mắt vào màn hình máy tính, nhận đặt hàng qua mạng. Đội ngũ này được trả lương khá bèo bọt, nhưng họ phải liên tục căng mắt ra để đọc các đơn hàng và đặt hàng trên các trang web.

Thường, các sinh viên hoặc sinh viên vừa ra trường sẽ được thuê để làm công việc này. Sau một thời gian làm việc đã thành thạo, biết các mánh khóe nghề nghiệp và có các mối hàng, đôi khi, chính các nhân viên được thuê này có thể sẽ tách ra làm ăn riêng.

Buôn hàng Trung Quốc qua mạng như thế nào?
Taobao.com là trang mạng thương mại nổi tiếng tại Trung Quốc.

Người đặt hàng thường là các chủ shop. Trong đó có cả những chủ shop online như đã giới thiệu ở phần mở đầu và cả những người có cửa hàng thật. Họ vào các website đã được bên nhận order cung cấp, chọn link sản phẩm, số lượng, tổng hợp vào 1 bản (e-mail, yahoo, hoặc file excel) gửi cho đội quân chuyên order này.

Sau đó, bên order có trách nhiệm đặt hàng theo yêu cầu của người đặt hàng, thanh toán với bên bán ở Trung Quốc. Hình thức thanh toán thường là thông qua các tài khoản họ đã lập trên các website mua bán bên Trung Quốc và các tài khoản ngân hàng họ lập ra ở Trung Quốc (phổ biến) hoặc thanh toán tiền trực tiếp (ít). Thường mỗi lần đặt hàng với các nhà cung cấp bên Trung Quốc là họ đã gom nhiều đơn hàng vào làm một để được mua hàng với giá rẻ hơn, giảm chi phí vận chuyển hàng về vị trí tập kết.

Những người chuyên order này có đội quân chân rết bên Trung Quốc chuyên nhận tập kết hàng và chuyển về Việt Nam. Đội quân chân rết này có khi làm việc độc lập, nhận vận chuyển trung gian cho nhiều shop.

Khi hàng về, họ thông báo đến cho người đặt hàng, người đặt hàng có thể trực tiếp đến lấy hàng hoặc họ sẽ thuê người ship hàng đến cho người đặt hàng. Ship hàng có thể qua chuyển phát nhanh, thậm chí là qua đường xe ôm. Có khi người đặt hàng và đội quân order này chẳng cần biết mặt nhau.

Con đường phổ biến nhất để hàng chuyển về Việt Nam là buôn lậu qua biên giới! Hàng sau khi đặt xong, chuyển về tập kết tại một địa điểm. Đội quân chân rết bên Trung Quốc sẽ làm nhiệm vụ tập hợp hàng hóa. Đến một lượng cho phép, họ sẽ đóng gói và gửi về Việt Nam. Hình thức đóng gói phổ biến là: ép chân không để tránh hàng hóa cồng kềnh, thuê xe vận chuyển ra biên giới.

Tại đây sẽ có một đội quân chuyên cõng hàng qua biên giới, rồi đưa lên các xe khách, xe chở hàng... chở về kho hàng của đội quân order. Như vậy, hàng hóa đã bị trốn thuế khi xuất nhập cảnh qua đường biên. Cửa khẩu Lạng Sơn rất nhộn nhịp các đối tượng cõng hàng như vậy.

Tuy nhiên, khi những kiện hàng trốn thuế đó bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ, thì người chịu thiệt thòi là người đặt, họ lỡ hẹn với khách mua, lỡ dịp vào mùa, mất uy tín… đội order chỉ ráo hoảnh báo về là hàng đang “kẹt biên”, mấy hôm nữa… nhưng mấy hôm nữa là ngắn hay dài thì còn phụ thuộc vào người giải quyết.

Hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Có loại hàng hóa là hàng tốt của Trung Quốc, đề mác made in China đàng hoàng; nhưng cũng có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Từ các quầy bày bán trên vỉa hè vào tận các shop lớn có hàng giả của Trung Quốc trà trộn. Chính vì thế mà nhiều người Việt Nam mình đang xài hàng giả của Trung Quốc mà vẫn tưởng đó là hàng xịn. Nguy hại hơn nếu dùng nhầm mỹ phẩm giả, uống nhầm sâm giả, thuốc giả... Thậm chí, có những shop bán hàng trên mạng còn công khai bán các sản phẩm là "hàng fake". Thường đó là: fake quần áo, fake ví, giày dép và kính mắt...

Đầu tiên được lợi phải kể đến là người bán hàng của Trung Quốc. Họ chả mất gì mà một lượng lớn hàng hóa đã được tiêu thụ ở Việt Nam. Dân số Việt Nam 80 triệu người, một thị trường không tồi chút nào.

Tiếp theo là giới order. Họ chỉ mất công đặt hàng, chuyển hàng và ăn chênh lệch. Giá tiền một mặt hàng đăng trên website thường là giá bán lẻ. Số tiền chênh lệch họ kiếm được sẽ tăng lên đáng kể, nếu như có nhiều người cùng đặt hàng qua họ đến một xưởng nào đó bên Trung Quốc. Đặt hàng nhiều sẽ được giảm giá nhiều, họ sẽ mua được hàng với giá rẻ mà vẫn thu của bên đặt hàng theo giá bán lẻ.

Một câu hỏi được đặt ra, người đặt hàng có được lợi gì không? Tất nhiên là có. Nếu không thì đã không nở rộ hình thức buôn bán kiểu này. Sản phẩm mà họ mua, mặc dù đã bị tính phí ship, ăn chênh lệch nhưng cũng đã rẻ hơn khá nhiều so với sản phẩm được nhập khẩu đàng hoàng vì trốn được hàng rào thuế quan.

Ngoài ra, hàng hóa bán ra đều đã tính hết các chi phí họ đã bỏ ra cùng với số lãi nào đó tùy vào sản phẩm, mặt bằng kinh doanh. Ví dụ: một bộ trang điểm fake của BB, nhập vào có giá khoảng 100 đến 150 nghìn đồng, bán ra với giá khoảng 500 nghìn đồng nếu shop "vừa vừa" và tiền triệu nếu shop "xịn".

Người tiêu dùng có được lợi không? Phải nói là hàng tiêu dùng của Trung Quốc rất bắt mắt, đẹp hơn rất nhiều so với hàng nội địa. Nhưng chất lượng thì còn phải xem xét lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại