Bộ trưởng Xây dựng: 'Nhà 50m2 giá chỉ nên 500 triệu đồng'

Theo Infonet |

Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đã có dự án nhà 30m2 giá 90-120 triệu đồng/căn và mức giá cho căn nhà rộng 50m2 chỉ nên khoảng 500 triệu đồng là hợp lý.

Phát biểu tại phiên họp giải trình của Ủy ban kinh tế Quốc hội ngày 24/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, giá mỗi căn nhà xã hội rộng 50m2 chỉ khoảng 500 triệu đồng là hợp lý.

Dù hiện nay, giá đã giảm nhiều so với thời điểm sốt năm 2008-2010, thậm chí giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006, nhưng mức 1 tỷ đồng/căn nhà thu nhập thấp vẫn chưa phải thấp.

Ông cũng bày tỏ mong muốn người mua nhà thu nhập thấp được mua với giá thấp hơn giá thành đồng thời dẫn ví dụ đã có nhà  30m2 giá 90-120 triệu đồng ở Bình Dương.

Ý kiến trên của ông Trịnh Đình Dũng được nêu ra khi đại biểu Ngô Văn Minh thắc mắc giá nhà thu nhập thấp còn cao và người dân khó tiếp cận. "Một căn nhà thu nhập thấp hiện nay giá khoảng 1 tỷ đồng, lãi suất 10% thì mỗi năm người dân mất 100 triệu đồng tiền lãi - quá lớn với người có thu nhập thấp", ông Minh nêu quan điểm.

Do đó, theo đại biểu này, cần phải công khai giá thành nhà thu nhập thấp và cơ cấu giá nhà nói chung, cũng như làm rõ liệu trong giá thành đã có chi phí xin chạy dự án, đền bù đất đai.

 

Báo cáo của Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ 94 sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội đến hết 11 tháng năm 2012 có hơn 1.830 giao dịch thành công với tổng giá trị gần 6.200 tỷ đồng. Riêng tại TP.HCM, các giao dịch thành công không nhiều còn giá thị trường giảm từ 5% đến 50%.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết thị trường nhà đất Việt Nam còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm và để đến hiện nay có phần trách nhiệm của quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Xây dựng.

Trong tình hình hiện nay, theo ông, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp mình cho phù hợp, như giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả; chuyển sang nhà ở xã hội; sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng...

Không những băn khoăn về mức giá, các đại biểu còn lo lắng về các giải pháp giải cứu thị trường nhà đất. Đại diện cho Ủy ban Tư pháp, ông Đỗ Văn Đương nhận định, giải pháp cho hàng tồn kho bất động sản hiện nay mới chỉ như thuốc Đông y ngấm từ từ, chầm chậm, kéo dài trong cơ thể ốm yếu, nên hiệu quả không cao.

Ngược lại, những giải pháp mang tính chất “Tây y” như chia nhỏ căn hộ, phát triển nhà ở xã hội… chỉ đáp ứng được một phân khúc nhà cho người thu nhập thấp, còn để cứu cả thị trường bất động sản thì không đủ sức.

“Chung cư cao tầng thương mại chất chồng như núi, Bộ đánh giá tác động các giải pháp cứu chung cư, biệt thự, đất nền có đạt hiệu quả 70-80% hay không, nếu chỉ là 10-20% thì không hiệu quả”, đại biểu Đương thẳng thắn.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm , đại biểu đến từ Thái Bình, nếu chỉ tập trung vào các giải pháp về hàng tồn kho cũng chỉ là “phần ngọn”, khi chưa giải quyết được “phần gốc” thì cục máu chưa kịp tan đã đọng lại.

Còn theo cách nhìn nhận của đại biểu Trần Du Lịch, căn nguyên của khủng hoảng bất động sản hiện nay là bất cập thể chế. Ông dẫn ví dụ, năm 2009, một loạt luật về lĩnh vực xây dựng cơ bản đã phải sửa đổi, nên cần có quy định cụ thể để tháo gỡ.

Nhà ở cũng giống như máy bay. Hạng thương gia nhiều mà phổ thông không thấy. Nếu không bắt đúng bệnh với những quy định thể chế cụ thể thì càng can thiệp càng rối”, ông Lịch nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban kinh tế, cho rằng, thực trạng bất động sản có quá nhiều bí ẩn và người cứu chưa bắt đúng mạch của con bệnh. “Số liệu cung vượt quá cầu, thậm chí có ý kiến lượng căn hộ hiện đáp ứng được đến năm 2050. Liệu có nhóm lợi ích thao túng?”, ông Hòa nghi vấn.

Thừa nhận Luật nhà ở trước kia không đề cập đến phát triển quy hoạch, thiếu chế tài trong kiểm soát phát triển bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, các giải pháp sẽ dần dần từng bước mà không thể yêu cầu ngay.

Ông nói, số liệu về tồn kho bất động sản mới chỉ nói lên một phần. Vẫn còn một phần khác rất lớn nhưng chưa được báo cáo là các tồn kho có giao dịch quan hệ với nhau thông qua hợp đồng và chính là nợ xấu.

Do đó, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh cần tập trung để xử lý, giải quyết nhưng cần về lâu dài vì thị trường bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực, như xây dựng, vật liệu, điện, nội thất, thị trường tài chính tiền tệ…

Với những ý kiến cho rằng, chia nhỏ căn hộ để bán sẽ dẫn đến nhà ổ chuột, ông Dũng thẳng thắn, nếu căn hộ nhỏ nhưng chất lượng tốt không thể gọi là nhà ổ chuột. “Nhiều nước trên thế giới cũng có căn hộ 15-20 m2, ổ chuột là đi liền với chất lượng kém”, người đứng đầu Bộ Xây dựng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại