Chưa tính hết lượng tồn kho bất động sản
Chất vấn về “khối nợ” bất động sản hiện tại, Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt vấn đề, quản lý thị trường thời gian qua còn kém dẫn đến tình trạng nhà nhà, người người đầu tư bất động sản. Các tập đoàn kinh tế nhà nước chưa làm xong nhiệm vụ của trong lĩnh vực chủ chốt mình cũng lao theo đầu tư bất động sản, làm vống giá trị nhà đất.
“Vậy nên có nhà đầu tư phát biểu, vì nhà nước quản lý kém nên tôi giàu lên nhanh quá” – bà Nga dẫn chuyện, yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng nói rõ về nguyên nhân của tình trạng này cũng như trách nhiệm quản lý của Bộ.
Đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) “bồi” thêm vấn đề tồn kho quá lớn của thị trường, yêu cầu người đứng đầu ngành xây dựng giải trình kế hoạch giải cứu, phá băng cho thị trường, khôi phục niềm tin nhà đầu tư.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, tồn kho bất động sản hiện tại "đúng là rất lớn” và không chỉ tồn kho theo các số liệu báo cáo mà còn “đọng” cả những sản phẩm dở dang như căn hộ đã có người mua đóng góp tiền nhưng chưa xong, những dự án không có đủ tiền để tiếp tục thực hiện. Tồn kho ở phần này theo ông Dũng cũng lớn khó lường. Ngoài ra còn lượng hàng tồn kho ở nền đất hạ tầng các khu công nghiệp.
Ông Dũng lý giải thị trường trầm lắng, đóng băng là do quá trình phát triển các dự án tự phát, mang tính chất phong trào, thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch. Số dự án quá nhiều, vượt rất xa so với nhu cầu thực của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng. Cơ cấu bất động sản cũng bất cập, vừa thừa vừa thiếu - thừa nhà cao cấp, trung bình nhưng thiếu nhà phục vụ người dân có thu nhập thấp.
Vốn cho thị trường chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng và một phần vốn đóng góp của người dân mua nhà. Chủ đầu tư lại hầu hết chỉ có khoản vốn chủ sở hữu rất thấp nên khi tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng cao, các dự án lập tức rơi vào tình trạng đóng băng, không thực hiện được. Thị trường thiếu những nguồn vốn bền vững dài hơi như quỹ phát triển nhà ở, quỹ tín dụng nhân dân…
Bộ trưởng Xây dựng cho biết đang tập trung rà soát toàn bộ các dự án bất động sản, phân loại để dừng ngay những dự án chưa giải phóng mặt bằng, giãn tiến độ các dự án đang thực hiện, chuyển mục đích đầu tư để xây nhà ở xã hội, cơ cấu lại các căn hộ cho phù hợp với người thu nhập thấp đối với dự án đã xong hạ tầng… Các dự án đầu tư thương mại được khuyến khích chuyển sang các mục đích này với chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế.
Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục cho vay, giảm thuế VAT với người mua nhà để ở lần đầu, mua nhà ở xã hội... để kích cầu thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) hỏi sang vấn đề khả năng kiểm soát sự tác động của cá nhóm lợi ích dẫn đến tình trạng bong bóng bất động sản, ảnh hưởng đén quyền lợi chính đáng của những người có nhu cầu mua nhà để ở. Ông Tâm nêu nghịch lý, nhà ở xã hội trước đây cũng “toàn người đi ô tô đến mua”. Vấn đề khi giải cứu thị trường, theo đại biểu không phải là vì lợi ích của nhà đầu tư, thậm chí phải đề cập đến trách nhiệm của họ trong việc này.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, cần nhìn thẳng thực tế thị trường bất động sản đang ở ngưỡng nguy hiểm, nếu đổ vỡ sẽ để lại hệ lụy to lớn. Ông Sơn muốn biết kịch bản đối phó khi tình huống này xảy ra.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) tỏ ý nghi ngờ về tính khả thi của những giải pháp đưa ra. “Khối lượng căn hộ và biệt thự tồn đọng cực lớn riêng tại 2 thành phố Hà Nội, TPHCM là mối quan ngại lớn, được ví như “cục máu đông” làm ách tắc nền kinh tế, nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng nợ xấu. Dư nợ bất động sản hiện đã hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 1/2 tổng dư nợ tín dụng. Số tồn đọng do cung vượt cầu quá lớn, đều là sản phẩm cao cấp, dù giá nhà có hạ 30-40% cũng không ai mua, không mấy người có khả năng mua. Theo kế hoạch của Bộ trưởng, một vài năm tới có xử lý, giải cứu được thị trường?” – ông Hùng tung một câu hỏi “hóc”.
Về yêu cầu cung cấp số liệu cụ thể của đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, thống kê 44 tỉnh thành (đều những tỉnh có nhiều dự án bất động sản), tính đến 30/8/2012, cả nước còn “tồn” hơn 16.000 căn hộ chung cư (Hà Nội 2.300 căn, TPHCM 10.108 căn), nhà thấp tầng 5000 căn (Hà Nội hơn 3000 căn, TPHCM 1.800 căn), đất nền 1,6 triệu m2… Tổng giá trị tồn kho ước tính 40.750 tỷ đồng.
Ông Dũng cũng thanh minh, thị trường bất động sản ở Việt Nam còn non trẻ, kinh nghiệm nhà quản lý, cả nhà nước và nhà kinh doanh đều hạn chế trong khi ngành nàylại liên quan đến nhiều ngành quản lý, cả ở TƯ và địa phương. Vì vậy, để giải cứu thị trường đòi hỏi hệ thống giải pháp đồng bộ hoàn chỉnh. Đặc biệt là vai trò các địa phương vì đây là đơn vị trực tiếp quản lý dự án. Có điều chỉnh dự án, cơ cấu lại căn hộ, dự án, thời gian nhanh hay chậm… phụ thuộc hoàn toàn vào địa phương và cơ quan chuyên môn tham mưu và quyết tâm của doanh nghiệp.
“Về trách nhiệm của mình Bộ chúng tôi đã chỉ đạo làm quyết liệt. Hi vọng các địa phương cùng đồng lòng vào cuộc. Nhưng cũng không thể khẳng định được là có thể tháo gỡ khó khăn tuyệt đối vì phải cân đối cung cầu. Cung thì có nhưng cầu phải có tiền. Nền kinh tế nước ta còn khó khăn, còn nghèo nên phải tháo gỡ từng bước” – Bộ trưởng Xây dựng phân trần.
Ông Dũng cũng mong được chia sẻ vì thị trường đang ở giai đoạn khó khăn nhất và theo dự báo, còn tiếp tục khó. Cần phải tháo gỡ từng bước vì càng để lâu nợ xấu càng tăng thêm. Nhưng Ông Dũng vẫn quả quyết “chắc chắn thị trường sẽ ấm dần lên theo cầu của nền kinh tế”.