Biểu tượng lãng phí Vinalines

thanhthao |

Tháng 10.2009, lễ khởi công dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã được Vinalines tổ chức đặc biệt hoành tráng.

Sau này, độ “hoành tráng” được mô tả bằng một con số trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ: Theo quy định, lễ khởi công chỉ được phép tiêu tối đa 50 triệu đồng, song Vinalines đã chi tới 4,144 tỉ đồng để tổ chức.

Ngay sau đó, trả lời câu hỏi “tiền đâu”? TGĐ Vinalines Dương Chí Dũng đã sử dụng thuật ngữ “phát huy tối đa nội lực của chính mình”. Nào là huy động từ quá trình tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trích lợi nhuận ra đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hàng hải. Nào là huy động nguồn vốn từ công tác sắp xếp cổ phần hoá các DN của ngành hàng hải.

Rồi thì “huy động vốn thông qua các nguồn tiền niêm yết các cổ phiếu của các DN đã cổ phần ra thị trường chứng khoán trong nước và tới đây sẽ niêm yết ra thị trường quốc tế”. Và ghê nhất là việc “thuê tư vấn nước ngoài đánh giá các hệ số tín nhiệm của Vinalines để tự phát hành trái phiếu DN ra nước ngoài để thu hút tài chính vào các dự án trọng điểm”...

Tất cả đều là ảo, đều là những “con cua trong lỗ” khi mà tại thời điểm khởi công dự án, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ “chưa có tổ chức tài chính nào bảo đảm vốn đầu tư cho dự án”. 4,1 tỉ đồng cho một lễ khởi công, cho dù đối với một cảng trung chuyển tầm cỡ... quốc tế, kể ra cũng là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Nhưng hóa ra vẫn chưa phải là giới hạn cuối cho biểu tượng của sự lãng phí mang tên Vinalines.

bieu-tuong-lang-phi-vinalines

Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong bị tạm dừng thi công vì thiếu vốn.

Cuối năm ngoái, dự án phải tạm dừng sau khi đã khởi công được 2 năm để “khảo sát lại địa chất”. Và giờ, 3 năm sau lễ khởi công hoành tráng, Vân Phong phải tạm dừng trong hoàn cảnh hàng trăm cọc thép đóng dở, đã gỉ sét; các hạng mục trị giá hàng trăm tỉ đồng khác đang bị bỏ hoang, người chịu trách nhiệm trực tiếp - ông Dương Chí Dũng, vừa bị bắt giữ.

Và đặc biệt là vốn đầu tư, do thời gian kéo quá dài, đã “đội” từ 3.000 tỉ đồng năm 2007, lên gấp đôi (6.000 tỉ đồng) vào thời điểm khởi công, và giờ đã “dự kiến” lên tới hơn 10 ngàn tỉ đồng. Không biết bao nhiêu tiền của, công sức, tâm huyết giờ coi như đổ cả xuống sông, xuống bể.

Theo Tổng Thư ký Hội Khoa học kỹ thuật biển TPHCM Doãn Mạnh Dũng thì số tiền bị thất thoát do nguồn lực của cảng Vân Phong không được khai thác vào khoảng 336 triệu USD/năm.

Kể từ khi ý tưởng xây dựng cảng Vân Phong được khởi xướng năm 1997, đã 15 năm trôi qua, cảng trung chuyển quốc tế chiến lược này vẫn nằm trên giấy. Và vẫn sẽ còn nằm trên giấy chưa biết đến bao giờ.

Bỏ hoang tài nguyên chiến lược, dù với bất cứ lý do nào, có lẽ đó mới là sự lãng phí lớn nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại