Bí mật sửa giá điện: 9 nhà nghèo gánh 1 nhà giàu

Phạm Huyền |

Việc sửa cách tính giá điện đến từ bức xúc của 4,63% hộ dân. Hơn 95% hộ dân còn lại liệu có được lợi khi EVN thay đổi cách tính hay đơn giản là việc hoán đổi nguồn thu tiền điện.

 

Lợi bất cập hại?

Chắc chắn sẽ còn nhiều tranh cãi quanh việc sửa đổi cách tính giá điện.

Chưa vội nói đến kỳ vọng, liệu người dân trên cả nước sẽ được lợi gì từ việc này thì câu chuyện căn cớ khiến EVN phải sửa đổi biểu giá lại rất đáng lưu ý.

Hầu hết, các kiến nghị, thắc mắc, phàn nàn từ việc hoá đơn tiền điện bất thường vừa qua lại chủ yếu đến từ một nhóm các hộ dân sống ở trung tâm thành phố lớn, chủ yếu là Hà Nội.

Các hộ dân này đều tiêu dùng điện ở mức 600 kWh trở lên và tiền điện tháng nắng nóng có thể lên tới 2-3 triệu đồng. Mức trung bình mỗi tháng là đều 1-1,5 triệu đồng/hộ.

Soi kỹ đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện của EVN công bố thì thấy, số các khách hàng trên lại chỉ là đại diện cho số ít và có thể coi là nhóm hộ giàu hay thu nhập khá.

Theo thống kê của EVN, với mức tiêu dùng điện trên 300 kWh/tháng, cả nước chỉ có 8,63% số hộ (bình quân năm 2013-2014) và mức sử dụng trung bình 550 kWh/hộ/tháng.

Trong đó, riêng nhóm hộ dân có thu nhập cao nhất, với mức tiêu dùng trên 400 kWh lại chỉ chiếm 4,63% số hộ trên cả nước. Mức tiêu thụ điện của các hộ này lên tới 728 kWh/hộ/tháng.

Còn lại, hơn 95% là những hộ tiêu dùng diện dưới 300 kWh/tháng.

Trong đó, hộ dùng 100 kWh/tháng đa phần là thuộc hộ nghèo, hoặc có thu nhập thấp chiếm tới 47,59% số hộ gia đình trên cả nước. 15,17% số hộ cả nước chỉ dùng dưới 50 kWh/tháng.

Mức tiêu dùng điện phổ biến nhất là mức từ trên 100 kWh đến 300 kWh/tháng, chiếm 43,78% số hộ tiêu dùng điện.

Như đề án của EVN phân tích, nếu rút gọn biểu giá điện về 3 bậc thang theo kịch bản mỗi bậc cách nhau 100 kWh, các hộ dùng ở mức 76 kWh trở xuống lại bị tăng gần 1.000 đồng/tháng.

Các hộ dùng từ 107- 233,88 kWh/tháng cũng sẽ bị tăng tiền điện như dùng 110 kWh bị tăng 460 đồng/tháng, dùng 150 kWh bị tăng 5.300 đồng/tháng, dùng 200 kWh sẽ bị tăng 11.350 đồng/tháng.

Trong khi đó, những hộ giàu hơn, thì càng dùng nhiều, lại càng được hưởng lợi như dùng 300 kWh được lời thêm 22.150 đồng/tháng, dùng 400 kWh được giảm 16.750 đồng/tháng và dùng 500 Wh sẽ được giảm tới 19.750 đồng/tháng.

Nếu như giá điện rút gọn về 4 bậc thang với các mốc 50-150-200-400 kWh, những hộ dùng điện 80 kWh/tháng sẽ bị tăng 4.110 đồng/tháng, dùng 100 kWh sẽ bị tăng 6.850 đồng/tháng, dùng 150 kWh thì bị tăng thêm 1.050 đồng/tháng

Tiếp đến, các hộ dùng tới 280 kWh thì bị tăng 1.890 đồng/tháng, dùng 300 kWh bị tăng 3.550 đồng/tháng.

Ngược lại, các hộ dùng nhiều điên hơn hẳn sẽ được lời, như dùng 350 kWh sẽ được giảm 5.350 đồng, dùng 400 kWh hay 500 kWh cũng sẽ được giảm tới 14.250 đồng.

Liệu với nghịch lý thiệt và lợi giữa nhóm hộ có thu nhập thấp và hộ giàu, việc sửa đổi cơ cấu giá điện tới đây có còn cần thiết?

EVN luôn giữ được lợi nhuận

EVN rất khéo khi sắp xếp lại cơ cấu giá điện tới 6 kịch bản, trong đó 1 kịch bản đồng giá và 5 kịch bản chia lại bậc thang, nhưng dù ở kịch bản nào thì doanh thu, dựa trên sản lượng khoảng 148 tỷ kWh vẫn không bị giảm.

EVN sẽ vẫn đạt con số 71.919 tỷ đồng năm 2015.

Câu chuyện tăng hay giảm ở đây là thuộc về các nhóm khách hàng. Nếu nhóm này được giảm tiền điện thì có nghĩa, nhóm khác sẽ phải tăng tiền điện lên.

Cụ thể như, nếu rút gọn còn 3 bậc thang, EVN dự kiến doanh thu sẽ giảm ở 3 nhóm.

Cụ thể như, với nhóm hộ dùng từ 51-100 kWh, EVN sẽ bị giảm doanh thu từ 12.584 tỷ đồng xuống còn 12.322 tỷ đồng, giảm 262 tỷ đồng.

Với nhóm hộ dùng 201-300 kWh, doanh thu tiền điện sẽ bị giảm từ 7.807 tỷ đồng xuống còn 6.639 tỷ đồng, giảm 1.168 tỷ đồng.

Nhóm giàu nhất là dùng từ 401 kWh trở lên, chiếm 2,06% tỷ trọng doanh thu, tiền điện thu về sẽ giảm từ 7.540 tỷ đồng theo biểu giá 6 bậc xuống còn 7.453 tỷ đồng, giảm 87 tỷ đồng.

Ngược lại, EVN sẽ tăng doanh thu ở 3 nhóm khách hàng tương ứng 3 bậc còn lại để bù vào.

Cụ thể, các hộ nghèo, có thu nhập thấp, dùng 50 kWh, EVN dự kiến sẽ phải tăng thu 261 tỷ đồng để đạt doanh thu là 22. 891 tỷ đồng.

Đối với nhóm hộ dùng 101-200 kWh, doanh thu EVN dự kiến sẽ tăng từ 17.293 tỷ đồng theo biểu giá 6 bậc thang lên mức 18.461 tỷ đồng khi rút về 3 bậc, tức tăng 1.168 tỷ đồng.

Với nhóm hộ dùng 301-400 kWh, EVN ước doanh thu là 4.066 tỷ đồng. Nếu cơ cấu giá là 3 bậc thì doanh thu nhóm này tăng thêm 87 tỷ đồng.

Nói cách khác, khi sửa biểu giá như vậy, EVN đã điều chuyển 1.517 tỷ đồng tiền điện từ nhóm này bù cho nhóm kia.

Tương tự như vậy, với phương án giảm còn 4 bậc thang, EVN đã giảm thu 1.124 tỷ đồng ở nhóm hộ gia đình dùng điện ở bậc thang thứ 3, và giảm 289 tỷ đồng ở nhóm khách hàng bậc 5.

Bù lại, EVN sẽ tăng 1.124 tỷ đồng thu ở nhóm hộ gia đình sử dụng bậc 2, 51-100 kWh, tăng thu 289 tỷ đồng đối với khách hàng sử dụng bậc 4, 201-300 kWh.

Tổng số tiền điện được "hoán đổi" cho nhau ở phương án 4 bậc là 1.413 tỷ đồng.

Điểm khác biệt lớn nhất ở phương án 4 bậc là, nhóm hộ nghèo, thu nhập thấp sử dụng 50 kWh đầu tiên và nhóm hộ giàu nhất, dùng trên 400 kWh đều không bị ảnh hưởng.

Như GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội kỹ thuật điện lực Việt Nam, việc chia lại bậc thang của EVN trên thực tế chỉ để làm minh bạch hơn cơ cấu giá điện.

EVN cũng sẽ không được tăng thêm đồng nào, cũng không bị sụt giảm đồng doanh thu tiền điện nào.

Dù cải tiến ra sao, ngành điện vẫn phải đảm bảo giá điện bình quân toàn quốc năm 2015 đã được Thủ tướng duyệt là 1.622 đồng/ kWh và các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh vẫn giữ nguyên.

Xác nhận điều này, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng Giám đốc EVN đã lý giải: "Đây chỉ là phép toán học đơn giản. Vì khi giảm giá ở bậc thang vốn có giá cao thì sẽ phải tăng giá ở các bậc thang đang có mức giá thấp".

Với thực tế, hơn 80% là các hộ dân dùng điện ở mức 200 kWh trở xuống và 20% còn lại dùng trên mức này.

Vậy, khi điều chỉnh lại cơ cấu giá thì sẽ có chuyện, người nghèo hơn sẽ bị ảnh hưởng và người giàu sẽ được lợi?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại