Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, 49 tuổi) là cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) từ năm 1993. Ông cùng người thân sở hữu gần 938 triệu cổ phần, chiếm 9,03% vốn điều lệ, trong đó riêng ông là gần 3,8%. Bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Kiên nắm giữ 4,11%.
Trong 9 năm (2003 - 2012), ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB và giữ chức Phó chủ tịch HĐQT trong 14 năm (1994 - 2008). Sau khi không tham gia HĐQT, ông lập Hội đồng sáng lập và làm phó chủ tịch. Hội đồng sáng lập có chức năng tư vấn cho HĐQT; thành viên Hội đồng sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT, được cung cấp đầy đủ tài liệu về hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Tuy nhiên, năm 2012, thông tin về việc ông bị bắt đã gây rúng động dư luận. Và sau gần một năm rưỡi ngồi trong trại giam, sắp được đưa ra xét xử, mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản đề nghị phong tỏa toàn bộ số cổ phiếu của Bầu Kiên tại Ngân hàng ACB.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB nhấn mạnh: Việc phong tỏa này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới hoạt động của ngân hàng vì cổ phiếu do Sở giao dịch chứng khoán quản lý, chứ không liên quan tới ACB.
Đồng thời, ông Toại cũng khẳng định: Việc phong tỏa toàn bộ số cổ phiếu của Bầu Kiên tại ACB không gây gánh nặng gì cho phía lãnh đạo ACB vì “phong tỏa tức là không cho mua bán, giao dịch trên thị trường, chứ không ảnh hưởng gì tới ACB”.
Nhưng đứng ở góc độ khác, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng: Việc phong tỏa trên “chắc chắn sẽ tác động đến uy tín của ngân hàng ACB”, có thể ảnh hưởng tới giao dịch về cổ phần, cổ phiếu của ACB trên thị trường chứng khoán.
Ông Hiếu cũng lưu ý: Đây là việc làm cần thiết vì trong quá trình điều tra, với những đối tượng bị truy tố, tài sản cần phải bị phong tỏa nhất là những tài sản có liên quan tới cố phần, cổ phiếu, liên quan tới đầu tư của ngân hàng.
“Tuy có tác động tới ACB nhưng các cổ đông của ACB không nên quá lo lắng vì đó chỉ là việc phong tỏa bình thường trong quá trình điều tra, chứ không phải là một phương án hay hành động ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị của cổ phiếu. Bởi giá trị của cổ phiếu sẽ chưa bị thay đổi từ động thái này của cơ quan điều tra” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn việc tài sản của Bầu Kiên sau này sẽ được xử lý thế nào, theo ông Hiếu, còn tùy thuộc vào phán quyết của tòa án ví dụ như yêu cầu phải thanh lý tài sản nào đó. “Cho tới thời điểm này, tôi chưa thể đưa ra được phỏng đoán nào về việc tài sản đó sẽ được xử lý ra sao vì nó cần thông qua một quá trình thụ lý pháp lý rất phức tạp và có thể kéo dài.
Tôi chỉ có thể khẳng định: vấn đề phong tỏa là động thái thường của cơ quan chức năng, cơ quan pháp lý, chứ chưa ảnh hưởng gì tới tài sản của ngân hàng vì cổ phiếu là tài sản của cá nhân, chứ không phải là tài sản cố hữu của ngân hàng, nó thuộc về vế nợ và vốn trong bảng cân đối kế toán” – ông Hiếu chia sẻ thêm.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cũng bày tỏ nghi ngại đối với những cá nhân đang sở hữu cổ phần, cổ phiếu tại ACB. Bởi khi có phán quyết cuối cùng của tòa án liên quan tới tài sản, cổ phiếu của bầu Kiên tại ACB, “những cá nhân đang sở hữu cổ phần, cổ phiếu của ACB có thể bị ảnh hưởng còn đối với ngân hàng thì chắc là không”.
Do vậy, ông Hiếu khuyên: Các cổ đông nên theo sát các bước trong tiến trình điều tra cũng như những phán quyết của tòa án. Đồng thời nên tham khảo luật sư của mình cũng như các nhà tư vấn, chuyên gia về pháp luật để trong trường hợp xấu nhất hoặc có biến động nào đó xảy ra, có thể dự trù trước những phương án cho mình. “Nếu không, cứ chờ tới lúc đó mới phản ứng thì có thể gây thiệt hại cho mình” – ông Hiếu bày tỏ.