Một người chuyên kinh doanh các loại hàng hiệu xa xỉ cho giới nhà giàu, một người được mệnh danh là “nông dân” khi đầu tư vào khai thác sản xuất các mặt hàng nông nghiệp.
Dù là thời trang đẳng cấp, rượu ngoại đắt tiền hay những kí đường, cân thịt, hộp sữa... tất cả đều đang mang về những khoản tiền cực lớn và tầm vóc đại gia hàng đầu Việt Nam cho Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) Johnathan Hạnh Nguyễn và Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAG) Đoàn Nguyên Đức.
Dù kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi hoàn toàn bóng đen khủng hoảng nhưng cả IPP và HAG đều bày tỏ tham vọng vươn xa hơn khi Việt Nam bước chân vào “ngưỡng cửa” TPP.
Vua hàng hiệu: “Tiền sẽ chảy vào túi tôi”
Nằm trong danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam của Forbes, gia đình ông “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đang dẫn đầu nhiều nhánh kinh doanh ở Việt Nam như thời trang hàng hiệu, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nhượng quyền với những thương hiệu nổi tiếng thế giới, kinh doanh trung tâm thương mại và cửa hàng miễn thuế, phân phối rượu cao cấp.
Trong đó, IPP đang nắm quyền phân phối 38 thương hiệu thời trang cao cấp như Versace, Burberry, Bulgari, Chanel, Cartier… với hệ thống 80 cửa hàng; 5 thương hiệu thức ăn nhanh nhượng quyền gồm Burger King, Popeyes Chicken, Domino’s Pizza, Dunkin’s Donut và Illy Café.
IPP đang vận hành việc kinh doanh ở TTTM Tràng Tiền Plaza với 80.000m2 tại đất “vàng” giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, khu mua sắm cao cấp Rex Arcade tại khách sạn Rex (TP.HCM) được IPP rót vốn tới 4 triệu đô.
IPP cũng đang liên doanh với tập đoàn Moet Hennessy để phân phối các loại rượu cao cấp của hãng này.
Tại chuỗi cửa hàng miễn thuế, IPP nắm quyền trực tiếp khai thác và hợp tác mặt bằng kinh doanh tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với lần lượt 40% và 25% diện tích khu thương mại.
Năm 2014, tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cán mốc doanh thu 580 triệu đô la và kỳ vọng cuối năm 2017 sẽ thu về 1 tỷ đô la Mỹ doanh thu.
Trong đó, phân phối xuất nhập khẩu chiếm 30%, bán lẻ thời trang mỹ phẩm 20%, cung cấp hàng miễn thuế 25%, thức ăn nhanh chiếm 15%, các hoạt động kinh doanh đầu tư khác chiếm 10%.
Theo Forbes Việt Nam, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tập đoàn diễn ra vào tháng 5 vừa qua, “vua hàng hiệu” nhấn mạnh TPP là “cơ hội”, là “sự chờ đợi trong nhiều năm”.
Theo đó, khi Việt Nam ký kết các hiệp định TPP và FTA, thuế suất sẽ thay đổi và các nhánh kinh doanh chính của tập đoàn là phân phối hàng xuất nhập khẩu và hàng hiệu sẽ được hưởng lợi rất lớn, đặc biệt là các mặt hàng rượu ngoại cao
Hiện tại, theo Hải quan Việt Nam, một chai rượu ngoại sẽ phải chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Trong đó riêng thuế TTĐB, theo Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12, từ ngày 01/01/2013, rượu từ 20 độ trở lên phải chịu thuế suất 50%, rượu dưới 20 độ phải chịu mức thuế suất 25%. Tương tự, các mặt hàng thời trang nổi tiếng thế giới cũng có mức thuế nhập khẩu cao.
Năm 2014, IPP nộp hơn 1.200 tỷ đồng tiền thuế, trong đó riêng mảng phân phối rượu đóng góp tới 2/3. Đây cũng là mảng kinh doanh duy nhất mà IPP có lãi trong suốt nhiều năm qua.
Do đó không khó hiểu khi “ông vua hàng hiệu” chờ đợi các hiệp định thương mại tự do đến vậy.
Khi các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ gần như hoàn toàn, việc nhập khẩu hàng hiệu, đồ uống từ các thị trường lớn trên thế giới sẽ không còn phải chịu mức thuế cao nữa. Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ trên Forbes: “Thuế giảm, tiền đi đâu? Tiền sẽ chảy vào túi tôi”.
Hoàng Anh Gia Lai: Chăn nuôi bò sẽ là “chìa khóa” lợi nhuận khi có TPP
Năm 2014 kết thúc, công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cán mốc lợi nhuận trước thuế 1.773,977 tỷ đồng, tăng 775,473 tỷ so với năm 2013.
Theo số liệu mới nhất được thông báo từ Nghị quyết Hội đồng quản trị, lợi nhuận trước thuế quý 2/2015 của HAG ước tính là 560 tỷ đồng.
Bầu Đức: TPP sẽ giúp HAGL gia tăng xuất khẩu (Ảnh: Vũ Lê).
Kế hoạch năm 2015 doanh thu thuần sẽ khoảng 6.174 tỷ đồng, tăng 179% so với năm 2015 và năm 2016 sẽ tăng 57% so với 2015 lên 9.685 tỷ đồng
Trong đó, ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cho biết, lợi nhuận và doanh thu chủ yếu đến từ ngành chăn nuôi bò.
Vòng quay vốn của ngành này là 6 – 8 tháng giúp cho tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao. Trong khi đó các ngành khác như ngành mía đường ổn định với 6.000 ha, lợi nhuận sẽ tương đương 2015.
Điều đáng lưu ý là Hoàng Anh Gia Lai đặt mức kỳ vọng lợi nhuận rất lớn ngay cả khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập hiệp định thương mại tự do TPP, bất chấp ngành nông nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với những thách thức cạnh tranh rất lớn từ nước ngoài.
Trả lời báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) khẳng định, TPP ra đời, HAG hoàn toàn lạc quan vì công ty đang có từ các thiết bị công nghệ, kỹ thuật cho tới các chuyên gia tư vấn hàng đầu để hỗ trợ trong việc phát triển hoạt động chăn nuôi.
Với công nghệ hàng đầu, quỹ đất lớn (HAG đang có 88.000 ha để trồng trọt, trong đó có 13.000 ha cho trồng cỏ phục vụ chăn nuôi), HAG tự tin khẳng định không thể để các bên khác vượt qua trong cạnh tranh.
Bầu Đức khẳng định HAG không ngại, thậm chí không quan tâm khó khăn khi TPP ra đời mà còn rất thích.
Ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc chi phí chăn nuôi rất cao, họ phải dự trữ thức ăn do thời tiết khắc nghiệt. Nếu TPP ra đời, HAG càng có thêm cơ hội để xuất khẩu khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn.
Theo dự kiến, HAG sẽ có đàn bò 300.000 con vào năm 2016 - 2017. Bầu Đức cho biết, riêng thị trường bò thịt chưa bao giờ có khái niệm hạ giá trong 20 năm trở lại đây. Nhu cầu về thịt bò trong nước hiện còn rất lớn.
Tại các cửa khẩu Cầu Treo, Lao Bảo, An Giang… cho thấy chúng ta nhập không dưới 1 triệu con bò/năm.
Tiêu thụ thịt bò ở Việt Nam hiện rất thấp, thấp hơn cả Lào và vẫn còn dư địa rất lớn, tăng 10 – 15% mỗi năm. Do đó, HAG đưa ra 300.000 con bò là chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Không ngại cạnh tranh khi vào TPP, không ngại cung vượt quá cầu bởi theo bầu Đức, với chi phí hiện tại và giá thành, dù giá có giảm thì HAG sẽ vẫn ổn.