Bất động sản hết thời “ăn xổi”

Ông Hà Mạnh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giico cho rằng, trong bối cảnh hiện, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng muốn thành công phải xác định đầu tư dài hạn, chứ không thể “ăn xổi” như trước.

Là người trong cuộc, ông đánh giá như thế nào về “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sau 2 năm thị trường đi xuống?

Theo tôi được biết, hiện rất nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn vốn để hoạt động, không có tiền để mua vật liệu, thiết bị hoàn thiện dự án. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không có tiền trả lương cho nhân viên.

Việc không có tiền hoàn thiện dự án khiến doanh nghiệp thường xuyên đối diện với khiếu nại của khách hàng. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp rất cần được vay vốn để tiếp tục hoạt động.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo ông, những giải pháp này sẽ tác động thế nào tới thị trường và doanh nghiệp bất động sản?

Đúng là đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, nhưng theo tôi, một số giải pháp chưa giải quyết được tận gốc rễ của doanh nghiệp và thị trường. Chẳng hạn, giải pháp cho phép chia nhỏ và chuyển đổi dự án thương mại thành nhà ở xã hội là rất tốt, nhưng đây chưa phải là mấu chốt giải quyết khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp.

Bởi chia nhỏ căn hộ, doanh nghiệp sẽ lại phải đội thêm chi phí, thêm vật liệu, chi phí thiết kế, trong khi giá bán lại giảm chứ không tăng. Trong khi đó, việc chuyển đổi dự án thì không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được. Thời gian và quy trình chuyển đổi lại rất lâu.

Thế nhưng, trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay, chỉ cần có một tia hy vọng thôi là doanh nghiệp đã rất hào hứng. Việc nhiều doanh nghiệp xin chuyển dự án thương mại sang nhà ở xã hội là một ví dụ.

Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ cung ứng ra thị trường 30.000 tỷ đồng để gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của gói tín dụng này?

Theo tôi được biết, gói tín dụng này chủ yếu để hỗ trợ người mua nhà. Thế nhưng, với những khó khăn như hiện nay, tôi cho rằng, thị trường cũng chỉ hấp thụ được 1/3 số tiền này. Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện rất cần nguồn vốn rẻ để tiếp tục hoạt động thì lại chưa được tiếp cận. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi vay được vốn từ gói hỗ trợ này.

Bất động sản hết thời “ăn xổi”
 

Trong lúc thị trường bất động sản đang rất khó khăn, Tập đoàn Giico lại có kế hoạch khởi công Dự án Venus Cát Bà có tổng vốn đầu tư lên đến 2,2 tỷ USD. Giico sẽ huy động nguồn vốn ra sao để thực hiện dự án này?

Với Dự án Venus Cát Bà, chúng tôi đã chuẩn bị thủ tục mất 6 năm, hiện đang tiến hành giải phóng mặt bằng và sẽ khởi công vào đầu tháng 9/2013.

Đúng là thị trường bất động sản khó khăn, việc huy động vốn cũng không đơn giản. Tuy nhiên, chúng tôi đã có nhiều phương án đảm bảo nguồn vốn thực hiện Dự án. Chẳng hạn chúng tôi ký kết hợp đồng hợp tác với một đối tác Ả-Rập-Xê-Út, cam kết góp lượng vốn lên đến 2 tỷ USD.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác với một tập đoàn bất động sản của Mỹ và một tập đoàn của Canada. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ triển khai Dự án theo phương thức triển khai đến đâu, khai thác đến đó, Dự án được đánh giá có tính khả thi cao.

Hiện ngoài Dự án Venus Cát Bà, chúng tôi cũng có kế hoạch triển khai Dự án Venus Mũi Né, rộng 140 héc-ta, đã có giấy phép đầu tư. Tôi cho rằng, thị trường bất động sản nói chung đang khó khăn, nhưng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn rất tiềm năng. Dĩ nhiên, đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, các doanh nghiệp cần xác định phải đầu tư lâu dài, chứ không thể “ăn xổi” được.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại