Những khoản lợi mà bất động sản mang lại đã khiến các nhà đầu tư thứ cấp ồ ạt nhảy vào bất động sản, đẩy giá chênh lệch lên chót vót và khiến người mua nhà hầu như không thể tiếp cận nổi với chủ đầu tư.
Điều đó cũng có nghĩa, mức giá các chủ đầu tư công bố so với mức giá thực giao dịch khác nhau quá lớn.
Tuy nhiên, đến nay tình hình đó đã thay đổi chóng mặt, tương ứng với biểu đồ đi xuống rõ rệt của thị trường.
Tình trạng dư cầu, thiếu cung đã đảo ngược hoàn toàn từ cuối 2010 tới nay.
Theo một số chuyên gia, nếu hiểu giá gốc là giá do chủ đầu tư công bố, thì hầu hết các dự án hiện nay đang được bán với giá… dưới gốc. Ngoài việc bán giá thấp hơn công bố, nhiều chủ đầu tư còn tung chiêu khuyến mãi lớn, liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ tín dụng…
Còn nếu hiểu theo
nghĩa giá gốc bằng với mức tổng các chi phí bỏ ra để tiến hành dự án
cùng một mức lợi nhuận “hợp lý” cho các chủ đầu tư thì còn “làm khó” các
chủ đầu tư hơn.
Bởi đơn giản, ngoài các chi phí có thể thống kê được như giá đất, vật liệu, nhân lực, thiết kế… thì còn những chi phí lớn như marketing, bán hàng và chưa tính tới những khoản chi phí “khó nói” đã thành thông lệ khác.
Chính vì thế, việc trông đợi giá gốc, hay nói đúng hơn là “bắt đáy” bất động sản vào thời điểm này mang nặng tâm lý phòng thủ với đồng tiền của người mua, hơn là tính dự báo xu hướng hay đầu tư thông minh.
Có một thực tế là với nguồn cung dồi dào như hiện nay, mặt bằng giá bất động sản đã xuống mức tương đối hợp lý với những người có nhu cầu.