Một buổi chiều đầy nắng ở Hà Nội, một nhóm người đang nhàn nhã nhấn từng vòng quay đều, quay đều trên đôi bàn đạp của những chiếc xe Lycra đầy phong cách trên làn cầu Long Biên nhỏ hẹp.
Sự phổ biến của các dòng xe đạp thể thao cao cấp được nhập khẩu hiện đang là một chương mới trong cuốn sử về xe đạp ở Việt Nam, thứ phương tiện mà từng gắn liền với hình ảnh của những người nông dân nghèo và học sinh trong suốt nhiều năm qua.
“4 năm trước, tôi đã trả 4 triệu đồng để mua một chiếc xe đạp. Tất cả mọi người trong gia đình tôi đều ngạc nhiên. Nhưng giờ đây, mọi người đều đang thấy nó hữu dụng”, Nguyễn Huy Thắng, thành viên của một trong những câu lạc bộ đạp xe nổi tiếng nhất của Hà Nội, Tour de Fun, nói.
Chỉ trong vòng 1 năm, câu lạc bộ Tour de Fun đã thu hút được hơn 2000 “likes” trên trang fanpage facebook , mặc dù trên thực tế chỉ có hơn 300 người thường xuyên đạp xe, thành viên sáng lập Ha To cho biết. Mỗi tuần, nhóm này thường sắp xếp tổ chức nhiều chuyến đạp xe và đua xe đạp trong cả phạm vi nội và ngoại thành Hà Nội.
Theo Ha To, mạng xã hội chính là phương tiện giúp mọi người tìm ra các hội nhóm đạp xe ở Hà Nội. Một số người khác thì biết về môn thể thao này qua các chuyến đi ra nước ngoài hoặc tìm hiểu trên internet.
“Ban đầu, tôi đọc trên mạng rằng đây là một cách hữu hiệu để giảm cân và tôi đã cân nhắc nghiêm túc đến nó. Đây là một cách tốt giúp giải tỏa stress và giúp mình hòa đồng hơn”, Ha To nói.
Để đáp ứng nhu cầu của dân chơi, những cửa hàng xe đạp đã mọc lên như nấm. Viet Anh mở một cửa hiệu xe đạp cao cấp, lấy tên là Thăng Long Bike ở khu phố cổ Hà Nội vào năm 2011, khi đó cả thành phố chỉ có khoảng 2 hay 3 cửa hiệu tương tự. “Bây giờ chắc có khoảng 40 – 50 cửa hàng rồi”, Viet Anh nói.
Những tên tuổi được chuộng nhất hiện nay là những nhãn hiệu tầm trung được nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có cả những chiếc xe giá vừa vừa của Specializied và Trek, với giá bán khoảng 500 USD.
“Xe đạp Pháp thì đắt lắm, có những chiếc giá lên đến cả 10.000 USD. Nhiều người họ mua những chiếc xe đắt tiền để chơi chuyên nghiệp. Họ rất kinh nghiệm. Nhưng cũng có những ông cũng mua những con xe cả mấy nghìn USD mà chỉ để đạp đi café và … ‘khoe hàng’ thôi”, Viet Anh cho biết.
Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã vươn lên từ một nước bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành một nước có mức thu nhập trung bình thấp, với nền kinh tế tăng trưởng trung bình 5%/năm.
Hiện tại, con số 400 USD vẫn là số tiền lớn với nhiều người vì mức lương bình quân của quốc gia này mới chỉ đang là 185 USD/tháng.
Ha To nhấn mạnh rằng xe đạp thể thao là lựa chọn phù hợp cho những người như cô. Cô nói những trang phụ đi kèm như quần short, áo thun thể thao có giá từ 30 đến 400 USD, tương đương từ khoảng 600.000 cho đến 8.000.000 VND.
“Bạn có thể lựa chọn bất cứ loại phụ kiện nào, phù hợp với mình là được và vẫn được chào đón gia nhập nhóm”, Ha To cho biết.
Xe đạp có một vị trí đặc biệt trong lịch sử của người Việt Nam. Trong thời chiến, người ta dùng xe đạp để hỗ trợ cho những người lính cộng sản. Trong thời bình, xe đạp lại trở thành một tài sản mang tính biểu tượng của cuộc sống thị thành, để lại dấu ấn đậm nét đối với những nhà văn từng đến thăm Việt Nam.
“Chỉ có vài chiếc oto, và thậm chí các quan chức chính phủ, kể cả có ông Bộ trưởng của Việt Nam cũng di chuyển bằng một chiếc xe đạp nghèo nàn, với một sự khiêm tốn và ý thức về công bằng xã hội mà tôi khó có thể nhận thức được”, nhà văn từng đoạt giải Nobel Gabriel Garcia Marquez từng viết khi đến thăm Hà Nội vào năm 1980. Bài viết của ông sau đó được đăng trên Tạp chí Rolling Stone.
Nhưng ở Việt Nam , một vài chiếc xe đạp vẫn được đánh giá cao hơn những chiếc khác. Nhà sản xuất xe đạp dòng xe đạp kiêu kỳ Peugeot của Pháp đã rời khỏi Việt nam kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, nhưng cho đến nay, nó vẫn là một thương hiệu đáng thèm muốn của rất nhiều người, ông Dang Quang Minh, chủ đại lý chính thức của thương hiệu này cho biết.
“Sau năm 1954, không còn đại lý chính thức nào của Peugeot ở Hà Nội. Cho đến những năm 70, 80 khi mà người ta bắt đầu chuộng xe máy, vẫn có những người âm thầm tìm cách mua cho được một chiếc Peugeot”, ông Minh kể.
Cửa hàng của ông được mở từ tháng 12/2013, bán rất nhiều thương hiệu xe đạp của châu Âu với mức giá từ 250 cho đến 5000 USD nhưng Peugeot vẫn là thương hiệu được ưa chuộng nhất.
“Chúng tôi đã bán hết sạch sành sanh hàng của Peugeot ngay trong tuần đầu tiên”, ông Minh nói.
Có một nghịch lý rằng sự trở lại của “niềm đam mê đạp xe” lại chẳng mang lại thêm lợi lộc gì cho các nhà sản xuất xe đạp nội địa, những tên tuổi mà sản phẩm của họ được bán với giá rất rẻ, thậm chí chỉ ngang bằng với một chiếc áo thể thao để đạp xe ngoại nhập.
Như trước đây, ông chủ cửa hàng Viet Ha kể rằng mọi người không hiểu nổi vì sao anh lại mê xe đạp trong suốt ngần ấy năm, vì đối với họ, xe đạp chỉ dùng cho những người nghèo khó, người giàu thì phải đi oto.
Nhưng thời thế đã đổi thay. Hay như anh Viet Ha nói: “Bây giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều”.
Với những chiếc xe đạp sáng choang đang lượt là đi trong thành phố, anh Viet Ha cho rằng hầu hết tất cả những người đang cưỡi trên những “con ngựa sắt” ngoại nhập ngoài đường phố Hà Nội kia đều tự tin rằng, chỉ cần liếc ngang thôi, ai cũng có thể định vị được ngay phong cách của họ.