Bảo lãnh trái phiếu trái luật tại SeABank?

thanhthao |

Trong thời gian giữ chức vụ tại SeABank, bà Nguyễn Thị Hương Giang đã ký nhiều chứng thư vượt quá thẩm quyền và không đúng quy định.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) vừa phát đi thông cáo về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với số trái phiếu do nguyên Phó tổng giám đốc ký phát hành.

Thông cáo cho biết SeABank vừa nhận được văn bản của Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel và đại diện là Văn phòng luật sư Nam Hà Nội, về việc yêu cầu SeABank thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh, thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar phát hành ngày 19/10/2011, do bà Nguyễn Thị Hương Giang - nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc SeABank Hai Bà Trưng ký phát hành.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang đã bị SeABank miễn nhiệm từ ngày 28/4/2012. Theo đó, trái phiếu của Vina Megastar đã đến hạn nhưng công ty này vẫn không thực hiện việc thanh toán cả gốc và lãi cho Vinaconex - Viettel. Căn cứ thư bảo lãnh không số, phát hành ngày 24/10/2011 của SeABank, phía Vinaconex - Viettel yêu cầu SeABank phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh.

Về yêu cầu của Vinaconex - Viettel và đại diện pháp lý là Văn phòng luật sư Nam Hà Nội, SeABank cho biết không chấp nhận yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo chứng thư bảo lãnh phát hành ngày 24/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Vina Megastar, vì cho rằng chứng thư bảo lãnh này “trái pháp luật”.

Trước đó, ngày 24/10/2011, bà Lê Thu Thủy, quyền Tổng giám đốc SeABank ký giấy ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc được ký chứng thư bảo lãnh đối với đợt phát hành trái phiếu của Vina Megastar cho Vinaconex - Viettel.

Theo SeABank, giấy ủy quyền trên đã nêu rõ việc ký thư bảo lãnh phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và quy định của ngân hàng này.

Bảo lãnh trái phiếu trái luật tại SeABank? 1

Cụ thể, theo quy định của SeABank, được thể hiện trong Quyết định số 693/2011/QĐ-HĐQT ngày 16/5/2011 của Hội đồng Quản trị về phân quyền phán quyết đối với Hội đồng Tín dụng Hội sở và Ban tổng giám đốc thì Tổng giám đốc được phê duyệt các giao dịch với khách hàng của SeABank, trong đó có việc phê duyệt, ký chứng thư bảo lãnh (bao gồm cả bảo lãnh phát hành trái phiếu) với mức tối đa không quá 30 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Hương Giang với cương vị là Phó tổng giám đốc được ký chứng thư bảo lãnh không quá 30 tỷ đồng.

Đối với các khoản vay, bảo lãnh, mở L/C có hạn mức tín dụng từ trên 30 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Tín dụng và trên 70 tỷ đồng phải được sự phê duyệt của Hội đồng Quản trị. Do đó, để ký chứng thư bảo lãnh với số tiền bảo lãnh trên 70 tỷ đồng phải có sự phê duyệt của Hội đồng Quản trị SeABank.

Với những dẫn giải trên, SeABank cho rằng: “Việc bà Nguyễn Thị Hương Giang ký chứng thư bảo lãnh phát hành trái phiếu của tập đoàn Vina Megastar là không có giá trị, vì bà Nguyễn Thị Hương Giang không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục và quy trình phát hành chứng thư bảo lãnh của SeABank”.

Theo Quyết định số 503/2007/QĐ-HĐQT ngày 12/11/2007 của Hội đồng Quản trị SeABank ban hành quy chế bảo lãnh của SeABank và Quyết định 3505/2011/QĐ-TGĐ ngày 18/8/2011 của Tổng giám đốc SeABank, việc phát hành chứng thư bảo lãnh phải được thực hiện theo quy trình, gồm: hồ sơ đề nghị bảo lãnh của khách hàng, hợp đồng cấp bảo lãnh và qua các cấp phê duyệt của người có thẩm quyền. Sau khi có các tài liệu trên, người được giao quyền của SeABank mới được ký chứng thư bảo lãnh.

Theo hồ sơ quản lý hiện tại của SeABank liên quan đến chứng thư bảo lãnh ngày 24/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký thì ngân hàng không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với tập đoàn Vina Megastar, giao dịch bảo lãnh cho tập đoàn Vina Megastar không tồn tại trong hệ thống quản lý của SeABank. Do đó, việc bà Nguyễn Thị Hương Giang ký chứng thư bảo lãnh phát hành trái phiếu cho công ty Vinaconex - Viettel là vượt thẩm quyền và không đúng quy định của ngân hàng”, SeABank cho biết.

Thông cáo trên của khẳng định, vì bà Nguyễn Thị Hương Giang lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ký phát hành vượt thẩm quyền chứng thư bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp đối với Vinaconex - Viettel nên chứng thư bảo lãnh này là vô hiệu và SeABank không chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với chứng thư bảo lãnh trái pháp luật này.

Ngân hàng này cũng cho biết, việc bà Nguyễn Thị Hương Giang ký chứng thư bảo lãnh trái phép là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật, đang được cơ quan điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý là trong thời gian giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc Chi nhánh Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Hương Giang đã ký nhiều chứng thư bảo lãnh cho các doanh nghiệp vượt quá thẩm quyền và không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của ngân hàng và quy định chung của pháp luật.

Các đơn vị nhận bảo lãnh bao gồm: Công ty Cổ phần Máy Thiết bị Dầu khí (PV Machino), Công ty TNHH Máy xây dựng VITRAC, Công ty TNHH Vật tư Tổng hợp Long Biên, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại VEAM, Ban quản lý dự án công trình giao thông Yên Bái - Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái, chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Công trình tại Hà Nội, BIDV Tây Hồ, và công ty Vinaconex - Viettel.

Liên quan đến những việc làm của bà Nguyễn Thị Hương Giang, nhiều đơn vị có liên quan đã gửi thư tố cáo đến cơ quan điều tra. Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Công an Hà Nội đã thụ lý hồ sơ vụ việc để làm rõ những sai phạm của bà Giang trong thời gian giữ chức vụ tại SeABank.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại